Freitag, 2. März 2018

Cuộc chiến Syria bị quốc tế hóa, ai chủ động trên chiến trường ?

Cuộc nội chiến tại Syria biến thành chiến tranh khu vực, bàn cờ xung đột giữa các quốc gia láng giềng của Syria và các đại cường trong những thế liên minh phức tạp. Từ khi Daech, kẻ thù chung, bị đánh bại, tương quan lực lượng giữa các nước tham chiến ra sao? Phe nào thực sự chủ động tại Syria ?
Trong vòng xoáy phong trào Mùa Xuân Ả Rập năm 2010, xung đột tại Syria bùng lên và kéo dài suốt 7 năm hơn. Thoạt đầu là những cuộc biểu tình chống chế độ độc tài Bachar al Assad. Bảy năm sau, danh sách nước ngoài can thiệp vào nội tình Syria ngày càng dài thêm : Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Hezbollah-Liban, Ả Rập Xê Út, Israel, không kể những nhóm thánh chiến và lính đánh thuê ủng hộ phe này hay trợ lực cho phe kia.
Một thảm kịch mới đang rình mò Trung Cận Đông. Đằng sau thế liên minh tình huống tại Syria giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, đã hiện ra phần nào mâu thuẫn tiềm tàng và tham vọng địa chính trị đối đầu. Trong khi đó Mỹ, Israel, và trong một giới hạn nhất định châu Âu, cũng chờ thời cơ để đưa ra tiếng nói quyết định.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin, trận đụng độ « bí ẩn » giữa Mỹ và « lính đánh thuê » Nga ngày 07/02/2017 ở Deir Ezzor và thái độ quyết liệt của Bachar al Assad trên chiến trường, với Iran sát vai yểm trợ, phải chăng chỉ là bề nổi của tảng băng sơn : cuộc nội chiến Syria đã được hay bị quốc tế hóa?
Hư thực ra sao, David Rigoulet-Roze, tổng biên tập tạp chí « Orients Stratégiques », chuyên gia Viện Phân Tích Chiến Lược Pháp IFAS phân tích:
Đúng vậy, xung đột tại Syria đang biến dạng trở thành xung đột quốc tế. Trên bàn cờ, vẫn còn những quân cờ khu vực, với những mâu thun quyền lợi địa phương. Lúc đầu thì có một kẻ thù chung là Daech, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Từ khi Daech bị đánh đuổi ra khỏi phần lớn lãnh thổ thì lập tức những xung khắc cũ giữa các tác nhân trong vùng và các đại cường nổi lên. Do vậy, tình hình càng ngày càng phức tạp.
Trước hết là mưu đồ lập quốc của sắc tộc Kurdistan ở Irak, ở Syria. Tuy không được các quốc gia Tây phương ủng hộ nhưng do nhu cầu chống Daech, dân quân Kurdistan được viện trợ vũ khí và huấn luyện trở thành những đơn vị thiện chiến. Tại Syria, lực lượng Kurdistan-Syria lập công đầu trong chiến dịch đánh chiếm thủ phủ Raqqa của Daech.
David Rigoulet-Roze :
Từ khi có cuộc nổi dậy chống chế độ Bachar al Assad, người Kurdistan được thời cơ thuận lợi đặc biệt. Một mặt, tổng thống Syria không quan tâm đến người Kurdistan mà chỉ lo đương đầu với phe Hồi Giáo Suni. Hệ quả tất yếu là người Kurdistan, nhân lúc chính quyền trung ương gặp khó khăn, củng cố tổ chức chính trị, xây dựng lực lượng võ trang độc lập với sự đồng ý ngầm của Damas. Diệt xong Daech, tỉnh Afrin là một vùng thí điểm để chính quyền Syria trắc nghiệm mô hình quản lý hành chính một khu tự trị, cho dù không mấy hài lòng với nguyện vọng lập quốc của người Kurdistan ở vùng biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong liên minh quốc tế chống Daech, quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không còn « cơm lành canh ngọt ». Sau khi Washington thông báo huấn luyện một lực lượng « an ninh biên giới » gồm 30 000 quân Kurdistan-Syria, Ankara tố cáo Hoa Kỳ giúp người Kurdistan lập quốc. Theo lệnh của tổng thống Erdogan, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công « diệt khủng bố » vào tỉnh Afrin của Syria. Từ khi Daech tháo chạy, tình thế trên chiến trường cũng biến đổi theo, không biết ai là bạn ai là thù.
David Rigoulet-Roze:
Chúng ta đứng trước một cuộc chiến « đa chiều » với những liên minh đảo lộn, hôm qua là bạn hôm nay là thù chỉ vì quyền lợi đối chọi nhau, ở địa phương hay ở cấp vùng.
Trên lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Hoa Kỳ trong NATO do vậy hai nước này là bạn. Thế nhưng, hai nước bất đồng về vấn đề người Kurdistan-Syria. Với sự trợ giúp của Mỹ trong cuộc chiến chống Daech, người Kurdistan-Syria đã thành lập được một lực lượng quân sự có tầm c và bố trí dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Đó chính là « cái gai » của tổng thống Erdogan. Lúc đầu Ankara và Washington cùng mục tiêu đòi tổng thống Bachar al Assad, nhà độc tài Syria, ra đi. Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng theo lập trường của Nga và Iran, đồng chủ trì tiến trình Astana trong khi Mỹ và Tây phương hỗ trợ cho vòng hòa đàm Genève. Biến chuyển ngoại giao này tác động lên chiến trường và biến chuyển trên chiến trường sẽ tác động đến tình hình khu vực.
Nhưng, nếu chính quyền Syria, nhân danh bảo vệ lãnh thổ, đưa quân lên vùng địa đầu Afrin, yểm trợ cho người Kurdistan, đồng minh của Mỹ, đang bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công từ hơn một tháng nay, thì không tránh khỏi nguy cơ đụng độ trực tiếp với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã đe dọa Damas không nên động binh.
Tuy nhiên, nếu quân đội Syria đến Afrin để tước vũ khí của người Kurdistan thì có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhìn với đôi mắt thân thiện. Bởi vì Damas giúp cho Ankara không bị mất mặt. Nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị sa lầy ở Afrin..
Khi cho quân vượt biên giới đánh vào Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ còn có một mưu đồ chính trị là nếu thành công, sẽ đưa hàng trăm ngàn dân Syria đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, về đây tái định cư. Một cách để biến người Kurdistan- Syria trở thành thiểu số ngay trên đất nhà và mất uy thế chính trị.
Mưu đồ của Iran là mầm móng của xung đột quốc tế
Nếu không quân Nga và ủng hộ ngoại giao của điện Kremlin cứu được chiếc ghế tổng thống của Bachar al Assad, thì Iran với xương máu của đoàn quân tình nguyện « Vệ Binh Hồi Giáo » và đồng minh « Hezbollah-Liban » giúp cho chế độ Syria tái chiếm phần lớn lãnh thổ. Viễn ảnh chế độ Hồi Giáo Iran kiểm sóat hoặc có căn cứ lâu dài tại Syria thực hiện mưu đồ chiến lược của phe Hồi Giáo Shia, đã bị Mỹ và Israel phản đối và hành động. Israel đã chính thức yêu cầu Nga gây sức ép với Iran và nhiều lần oanh kích Syria. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng đã hai lần sử dụng vũ lực, oanh kích một đoàn xe tăng của Iran và hạ hai chiếc « drone » Iran trên chiến trường Syria, và cho biết « sẽ bóp nghẹt kinh tế » Iran.
Ngày 19 tháng 11 năm 2017, Boukamal, căn cứ địa cuối cùng của Daech tại Syria thất thủ. Iran, cũng trả giá cao với cái chết của viên tướng chỉ huy, nhưng nhờ đó mà « lần đầu tiên » trong lịch sử Ba Tư, khai thông một hành lang chiến lược trên bộ nối liền thủ đô Teheran chạy qua ba nước Irak, Liban, Syria đến tận cao nguyên Golan, biên giới của Israel.
David Rigoulet-Roze :
Chính xác, Hezbollah-Liban được Damas mời sang giúp cũng như mời lính Nga. Tuy nhiên, đã nói là can thiệp thì dù được mời hay không thì cũng là can thiệp vào nội tình một nước khác. Hezbollah-Liban giúp Syria vì tổ chức này có quyền lợi ở Syria.
Các chính quyền Mỹ, Nga,Thổ, Iran đều như thế. Mặt khác, họ còn sử dụng các lực lượng dân quân Syria, chiến đấu cho phe này hay phe kia. Cụ thể là « Quân đội Syria tự do » theo Thổ Nhĩ Kỳ còn các dân quân địa phương thuộc hệ phái Shia thì theo Iran. Do đó, Syria trở thành chiến trường địa chính trị vượt qua khuôn khổ quốc gia, và do nhiều tác nhân quốc tế tham chiến để bảo vệ quyền lợi riêng.
Bí ẩn trận Deir Ezzor: Mỹ và Nga đụng độ trực tiếp ?
Chuyên gia David Rigoulet-Roze cho rằng kịch bản Nga- Mỹ đánh nhau khó xảy ra vì cả hai đều rất thận trọng và quyền lợi cốt lõi không nằm ở chiến trường.
Vào ngày 07/02, một đoàn quân « đồng minh » của Damas bị Mỹ oanh kích trong khu vực Deir Ezzor, miền đông Syria. Hãng Reuters cho biết có « hàng trăm lính Nga chết và bị thương » tuy nhiên Washington và Matxcơva đều loan tin nhỏ giọt. Phía Mỹ « xác nhận » có 5 người Nga tử thương, phần còn lại là khoảng 100 chiến binh thuộc phe Damas bị oanh kích chết khi tìm cách tấn công vào một đơn vị Kurdistan-Syria ở Deir Ezzor. Matxcơva khẳng định « quân đội Nga không ghi nhận một thiệt hại nào ». Cuối cùng chỉ có một đảng thuộc xu hướng dân tộc chủ nghĩa nhìn nhận « có chiến hữu » hy sinh.
Một bác sĩ Nga được Reuters đặt câu hỏi cho biết có ít nhất ba máy bay Nga đưa thương binh về Matxcơva trong bốn ngày từ 9 đến 12/02. Mặt khác, Evgueni Chabaïev, thủ lĩnh một tổ chức bán quân sự ở Trung Á có quan hệ với các nhóm đánh thuê, cho biết ông đã đích thân đi thăm hàng trăm thương binh ở bệnh viện quân đội Khimki. Những người này thuật lại « 550 lính đánh thuê của nhóm Wagner mà Matxcơva không nhìn nhận là có thật, tham gia vào trận Deir Ezzor, trong đó 300 người bị oanh kích chết hay bị thương ».
Vì sao Mỹ và Nga đều gần như im hơi lặng tiếng ?
Vladimir Frolov, nguyên là một nhà ngoại giao Nga, nay là chuyên gia chính trị độc lập, cho rằng Mỹ và Nga đều không muốn làm lớn chuyện vì cả hai không muốn chiến tranh, nhất là Vladimir Putin đang chuẩn bị thêm một nhiệm kỳ tổng thống vào tháng Ba.
Còn theo chuyên gia David Rigoulet-Roze, Mỹ mạnh tay bởi vì đoàn quân đánh thuê của Nga đã đụng đến một « địa điểm chiến lược » của Mỹ là khu dầu khí Deir Ezzor ..
Diệt xong Daech, vấn đề then chốt còn lại là tái thiết Syria và tương lai chính trị thời hậu chiến. Bachar al Assad cần « hàng trăm tỷ đôla » để tái thiết và trụ lại. Mỹ cũng muốn giữ Deir Ezzor, để « chặt cỏ dưới chân » nhà độc tài Syria, và dùng dầu khí gây áp lực trên bàn đàm phán để buộc Bachar al Assad phải từ chức.
Về phần châu Âu, bị đặt bên lề hai vòng đàm phán, chờ cơ hội hậu chiến để « nhập trận » qua trung gian Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và các định chế tài chính khác.
Sau 7 năm tranh đấu và nội chiến, quyền dân tộc tự quyết không nằm trong tay người dân Syria, dù còn ở trong nước hay đang lưu vong.
__._,_.___

Posted by: Truc Chi <trucsonchi@yahoo.com>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen