Samstag, 17. Februar 2018

Le Cong Hien
Ở Bình Dương có một quán cà phê rất lạ. Hầu hết khách tới đây đều mang khuôn mặt sợ hãi, lo lắng
9 giờ sáng 7-2, khách ngồi chật quán cà phê của chị Lưu Thị Nga (nằm trên đường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Tôi bước vào, thấy ai cũng có khuôn mặt đầy tâm trạng.
Vị khách ngồi ở bàn ngoài cùng là ông Thạch Bá (49 tuổi, quê Sóc Trăng). Ông đang bồn chồn, lo lắng vì cô con gái 14 tuổi của mình bỏ nhà đi suốt 6 ngày qua. Ông sợ con bé bị kẻ xấu dụ dỗ, hãm hại.
Vị khách nữ ngồi ở bàn kế bên là một công nhân 30 tuổi, quê Lâm Đồng. Đôi mắt cô lộ rõ vẻ thất vọng, cô kể mình bị một gã trai lừa. Sau vài ngày làm quen qua mạng, gã dụ cô vào nhà nghỉ. "Mây mưa" xong, thừa lúc cô vô nhà tắm, gã trộm điện thoại trốn mất tiêu.
Vị khách bàn kế tiếp là phụ nữ 36 tuổi, quê Thanh Hóa. Cô buồn bã vì một người đàn ông có dáng vẻ lịch lãm lừa lấy mất xe máy. Hai vị khách ngồi trong góc là một cặp vợ chồng buồn thiu vì vừa bị cướp tài sản….

Tất cả những vị khách trên đến quán để tìm các "hiệp sĩ". "Một ngày người dân gọi điện báo cho tôi hàng chục thậm chí cả trăm vụ việc, vụ án. Ai muốn gặp, chúng tôi đều mời đến quán cà phê này", một "hiệp sĩ" thông tin. Chị Nga, chủ quán, vừa cười vừa nói: "Người ta hay nói quán cà phê của tôi ngày nào cũng tiếp... công dân".
Trong quán của chị Nga có nhiều quyển sổ ghi chép. Đó không phải là "sổ nợ" hay sổ ghi chuyện thu chi của quán mà là "sổ báo án". Trong đó là thông tin tên tuổi, số điện thoại của hàng trăm nạn nhân.
Từng trang giấy trong "sổ báo án" là một phận đời với đầy rủi ro, bất trắc, tai ương. Tất cả được ghi lại để tiện tra cứu, liên lạc, phục vụ việc bắt tội phạm. Cuối năm, lật "sổ báo án" tôi càng thấm thía cuộc sống còn nhiều bất an. Trộm cướp, lừa lọc còn nhiều.
Tôi rất hay ngồi cà phê báo án để nghe chuyện thiên hạ, tìm kiếm đề tài viết báo. Tôi thấy nhiều nạn nhân, nhiều bị hại tìm đến. Tôi nhớ một cô gái tên Thư (18 tuổi) đến quán cà phê gặp "hiệp sĩ". Thư kể trước đó mình đã đến công an phường để trình báo về việc bị một tên cướp chặn đường, giật tiền vào khoảng 5 giờ sáng. Khi tiếp Thư, anh công an tỏ thái độ nghi ngờ, thậm chí nạt nộ.
Thư nói: "Em bị cướp, vừa mất tiền, vừa sợ hãi, vừa bực bội. Vậy mà anh công an đó nói chuyện như tạt nước lạnh vô mặt em. Chắc ảnh thấy em có hình xăm trên người, nghĩ em hư đốn, đi đêm về hôm nên bị cướp".
Một phụ nữ khác ngồi quán "cà phê báo án" tâm sự với tôi: "Một thằng cướp mò vô nhà tôi. Nó lấy tiền rồi mò lên giường tôi và 2 con nhỏ đang ngủ. Tôi tỉnh dậy, giằng co, đánh nhau với nó. Con tôi khóc thét. Thằng cướp sợ hàng xóm phát hiện nên tháo chạy. Chồng tôi đi làm xa. Mấy đêm nay, tôi ngủ không được, cứ sợ tên cướp lại vào nhà. Tôi gọi báo công an. Công an tới nhà tôi nhưng chỉ hỏi han rất lơ đễnh, nói vài câu rồi họ đi. Tôi nghĩ họ không muốn điều tra nên tôi mới đến quán cà phê này gặp hiệp sĩ".
Tại quán "cà phê báo án", mỗi ly cà phê rang xay chị Nga chỉ bán với giá 12.000 đồng. "Hiệp sĩ" chọn quán này làm "văn phòng" của mình vì vợ chồng chủ quán cũng là người hào hiệp. Khi "hiệp sĩ" đói bụng chủ quán sẵn sàng mời cơm.
Nếu khách "báo án" quá nghèo, chủ quán sẵn lòng miễn tiền nước. Riêng tôi với chủ quán cũng là chỗ thân quen. Nhưng năm mới, tôi mong quán này ế khách! Nghĩa là xã hội bình an, mọi người dân đụng chuyện đều có công an giải quyết một cách niềm nở, hiệu quả.

3 Kommentare:

  1. Dieser Kommentar wurde vom Autor entfernt.

    AntwortenLöschen
  2. QUán này người ta đến ngồi uống bình thường thôi mà đâu có nhu tác giả kể đâu, đừng có học cái kiểu phóng đại sự việc lên như thế chứ

    AntwortenLöschen
  3. À ừ, có thằng phản động thì sẽ có quán cafe dành cho máy tên phản động thôi, vào đay chả khác gì chui vào cái ổ ẩn chứa sự ngu dốt của loài người đâu, sớm muộn gì cũng bị dẹp

    AntwortenLöschen