Mittwoch, 22. November 2017

Trong ruột người lính Bắc Hàn

NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Một quân nhân Bắc Hàn, lái chiếc quân xa, lủi vào hàng rào chia đôi Nam-Bắc Hàn; anh bỏ xe chạy bộ vượt lằn ranh phân chia Nam-Bắc; những người đồng đội của anh nổ súng bắn kẻ đào ngũ; anh trúng năm viên đạn, nhưng vẫn vượt thoát được qua lãnh thổ Nam Hàn, và chỉ gục ngã 50 thước phía nam ranh giới.
Anh được trực thăng Black Hawk tản thương về một bệnh viện tại Hán Thành. Việc người Bắc Hàn bỏ xứ đi tị nạn tương đối khó khăn hơn người Việt vượt biên, vượt biển.

Thông thường người Bắc Hàn bỏ quê hương, trốn ra khỏi cuộc sống đói khổ tại Bắc Hàn chọn đường biển, hoặc vượt biên giới vào lãnh thổ Trung Cộng. Lối vượt biên của anh quân nhân này là khó nhất, và liều lĩnh nhất, vì tình trạng canh gác phía Bắc vĩ tuyến 38 rất nghiêm nhặt.
                                                              Biên giới kiên cố
                   Biên giới kiên cố, do những người lính ốm yếu, bệnh hoạn canh giữ.

Chính quyền Nam Hàn không công bố cấp bực, tên tuổi anh đào binh; một trong những lý do bảo mật là để che chở cho thân nhân người lính đào ngũ.
Từ ngày 17 tháng 12, 2011, sau khi lên kế vị ông bố Kim Jong-il, tân chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un ra lệnh trừng phạt thân nhân của những người đào ngũ rất nặng; do đó số người trốn ra khỏi Bắc Hàn giảm rất nhiều.

Mô tả hình phạt đó, Wikipedia của Mỹ viết, “three generations of a family would be destroyed if caught defecting, as well as having the defector being executed on-site,” dịch: tru di tam tộc, và người bỏ trốn bị hành quyết tại chỗ.
Cuộc đào thoát của 13 công nhân làm việc chung trong một nhà hàng tại quận Ningbo, tỉnh Zhejiang hồi tháng Tư 2016 là một kỷ lục; họ giải thích với dư luận thế giới là họ phải cùng trốn đi, vì hệ thống kiểm soát bắt người này canh giữ người khác.
Những người vượt thoát kể lại cảnh khổ chờ đợi bữa ăn, hay chuyến xe bus để về nhà sau giờ làm việc; nhiều khi chờ xe lâu đến ba tiếng đồng hồ.
                                                              Bến xe bus tại Bắc Hàn 
Trở lại với anh lính đào ngũ bị bắn trọng thương, và được trực thăng võ trang đưa về Hán Thành; bác sĩ phải mổ bụng anh ra để nối những khúc ruột bị đạn xuyên thủng. Họ khiếp đảm nói với phóng viên truyền thông là sán lãi trong bụng anh quá nhiều, nhiều con dài đến 27, 28 phân.

Mặc dù vết thương khá nặng, nhưng người lính sẽ nhanh chóng bình phục, tuy nhiên, sau đó anh còn phải điều trị bộ phận tiêu hóa và bài tiết.

Bác sĩ Lee Cook-jong, phụ trách giải phẫu anh đào binh Bắc Hàn, nói với phóng viên đài BBC, “Trong suốt 20 năm hành nghề, tôi chưa từng thấy con lãi nào dài đến như vậy, ngoài những hình ảnh thấy trong sách.” Ông Cook-jong nói ông vô cùng thận trọng để bệnh tình anh thương binh không trở chứng, phức tạp hơn.
Giới chức canh nông Nam Hàn cho biết bệnh sán lãi rất phổ thông tại Bắc Hàn, vì nhà nông miền Bắc còn dùng phân người để bón rau. Anh đào binh Bắc Hàn có thể bị sán lãi đã nhiều năm. Nhìn kỹ chân dung ba người lính Bắc Hàn trong tấm hình ở đoạn trên của bài báo này, độc giả cũng có thể nhận thấy vẻ bệnh hoạn, mệt mỏi, già háp, và thiếu dinh dưỡng của họ.

Kỹ sư canh nông Bắc Hàn Lee Min-bok -vượt thoát năm 1995- cho biết trong thập niên 1970, Bắc Hàn còn sử dụng phân hóa học để trồng rau, nhưng sau đó, không còn phân hóa học nữa, họ bón rau bằng “đất đen” -đất trộn với phân người và phân trâu bò, gà, vịt, do những trại chăn nuôi bán ra.

Năm 2014, trong một bài diễn văn về khuyến nông, chính chủ tịch Kim Jong-Un khuyến khích việc dùng phân người bón rau. Kỹ sư Lee nói, vì Bắc Hàn không nuôi bò từng đàn, nên phân bò cũng hiếm, do đó việc sử dụng phân người để bón rau rất thông dụng.

Tuy ý thức được nguy cơ sán lãi, nhưng nông gia Bắc Hàn vẫn phải dùng phân người -thứ phân sẵn nhất, và cũng rẻ nhất để bón rau. Ngoài sán lãi, bác sĩ còn thấy trong bao tử anh đào binh Bắc Hàn, một số lượng hột bắp chưa kịp tiêu hóa. Anh ta cao 55” (1.65 mét), nặng 132 pounds (60 kg).
Bác sĩ Nam Hàn trình bày tình trạng thương tích của anh đào binh Bắc Hàn, và những con lãi dài gần 3 tấc.

Mặc dù ăn khoai, ăn bắp, nhưng Bắc Hàn vẫn không đủ thực phẩm, nên một phần thực phẩm tiêu thụ tại Bắc Hàn do Trung Cộng cung cấp, trong tám tháng đầu năm nay, Trung Cộng xuất cảng sang Bắc Hàn 49,000 tấn bắp; 15 lần nhiều hơn toàn năm 2016, với 3,125 tấn. Dĩ nhiên không thể giải thích việc gia tăng tiếp tế là một hình thức trừng phạt Bắc Hàn thử nghiệm nguyên tử. Từ gần 30 năm nay, Bắc Hàn sống một phần nhờ ngũ cốc nhập cảng.

Chương trình The World Food Programme cung cấp thực phẩm cho một số trường mẫu giáo Bắc Hàn, cho biết 1phần 4 trẻ em Bắc Hàn theo học những lớp mẫu giáo đó, thiếu dinh dưỡng.

Những điều bác sĩ Nam Hàn phát giác trong bụng anh đào binh Bắc Hàn đù khiếp đảm nhưng không hề là một bí mật, vì cả thế giới đều biết trận đói kéo dài suốt bốn năm (1994-1998) tại Bắc Hàn.

Vì cẩu thả, không ghi nhận nên Bắc Hàn không có con số chính xác về những người chết đói, nhưng số ước lượng của họ là từ 240,000 đến 350,000 người chết vì đói; dân số Bắc Hàn là 22 triệu; căn cứ vào hai con số đó thì tổn thất tối thiểu cũng tới 10%.

Nói tới Bắc Hàn, không thể không nói về vai trò gây chiến của họ hiện nay; họ đe là hỏa tiễn của họ có thể vói tới lãnh thổ Hoa Kỳ, và chứng minh là họ thừa sức bắn vào bất cứ thành phố nào của Nhật.

Hoa Kỳ cũng đã cho phóng pháo cơ, chiến hạm thị uy quanh không phận, hải phận Bắc Hàn. Những cuộc điều động quân sự vừa tốn kém, vừa không kiến hiệu đó khiến tôi nghĩ đến một kinh nghiệm chiến tranh tại Việt Nam ngày xưa: chiến lũy McNamara.

Chiến lũy này không giống như Vạn Lý Trường Thành của người Tầu, hoặc bức tường biên giới của Tổng Thống Donald Trump, vì nó không có chiều cao, không phải là một kiến trúc, mà là hàng triệu quả mìn nhỏ chống người, hàng triệu cái sensors nhậy cảm với hơi người, được máy bay thả dài theo vĩ tuyến 17.

Một người hay một con thú rừng đi qua, cái sensor báo hiệu cho người lính gác bằng cách chớp một bóng đèn nhỏ trong vọng gác; đèn chớp liên tục là chỉ dấu một đoàn người đang nối tiếp xê dịch trên con đường mòn mà anh pháo thủ gần đó có tọa độ để bắn quấy rối hoặc bắn tiêu diệt.

Nếu Nam Hàn mượn kinh nghiệm chiến tranh này mà xây dựng một đường tiếp tế dài 250 cây số suốt theo chiều dài của vĩ tuyến 38, mỗi 200 thước một cái chòi tiếp tế, thấp hơn, kín hơn cái chòi canh trong hình bên dưới để gạo chứa bên trong không bị ẩm ướt.

Thị trường gạo đang có cái giá cho mỗi tấn là từ $425 đến $529, tùy gạo tốt xấu -nếu đặt mua gạo dưới hình thức những cái bọc có thể đeo sau lưng như cặp sách của học trò, thì mỗi bao gạo nặng 20 kí lô giá $10 Mỹ kim.

Tuyến tiếp tế này có thể đặt cách khu phi chiến vài cây số, và hoàn toàn rộng mở cho người Bắc Hàn xuống lấy gạo; dĩ nhiên họ vẫn phải trốn tránh lính gác Bắc Hàn, nhưng cũng dĩ nhiên lính gác Bắc Hàn vẫn có nhu cầu xuống miền Nam, vác gạo về ăn như dân thường.

Hai-mươi ký gạo giúp một cặp vợ chồng no bụng suốt một tháng; một tấn gạo giúp được 50 gia đình, mà chỉ tốn có $500; và đó mới chỉ là góc cạnh nhân đạo của tuyến tiếp tế gạo.
                            Tuyến gạo gồm 2,500 chòi gạo sẽ tạo thay đổi tại Bắc Hàn.

Điểm khác biệt lớn giữa tuyến McNamara và tuyến gạo là ngăn chặn và mời gọi; tuyến gạo mời gọi người Bắc Hàn an toàn vào sâu vài cây số trong lãnh thổ Nam Hàn, để đeo 20 ký gạo về ăn. Nếu có thuận lợi, anh lính gác Bắc Hàn sẽ nhờ người dân xuống tuyến gạo, cõng hộ anh một bao.
Người dân, người lính Bắc Hàn sẽ yêu thương người -những người góp tiền mua gạo nuôi họ- dù hàng ngày họ vẫn phải nghe những luận điệu tuyên truyền đầy thù ghét.
Và 100,000 tấn gạo là 5 triệu túi gạo 20 ký, chỉ trị giá $50 triệu, trong lúc chiến phí và tàn phá của chiến tranh phải tính bằng bạc tỷ, bạc ức (trillions).
Đó là chuyện cần bàn về những con lãi, và những hột bắp trong bụng người đào binh Bắc Hàn. (ndt)
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen