Sonntag, 26. November 2017

ADULT SCHOOL VÀ BÀI QUỐC CA MỸ

Ngày mới đến Mỹ, tiếng Anh của mình tuy đủ để đọc được các tài liệu khoa học, viết được ở mức độ của một học sinh trung học, nhưng khả năng nghe và trả lời người bản xứ thì vô cùng tệ. Mình không thể trao đổi với người ta được hơn hai ba câu mà không bị ngắc ngứ khi tìm từ hoặc không phải hỏi lại người ta "What do you mean?" (Ý bạn muốn nói gì?). Luật ở tiểu bang California đòi hỏi một người di dân tới tiểu bang này phải sống ở đó trên một năm thì khi đi vào trường đại học mới được trả học phí giá thấp (học sinh ngoại quốc và người ngoài tiểu bang Cali phải trả giá cao hơn gần gấp 10 lần). Vì lý do đó, mình đã phải vào (trường) Adult School để học ESL (English as a Second Language).

Adult School là một cách thức chính phủ Mỹ lập ra dạy miễn phí để giúp đỡ người di dân làm quen dần với ngôn ngữ, văn hóa, và chuẩn bị cho mình một kỹ năng nào đó để xây dựng cuộc sống mới nơi đây. Đó là chiếc cầu nối để người ta không cảm thấy phải bơi qua con sông lớn, khi họ từ bỏ quê hương bước vào một cuộc sống mới, dù nhiều hứa hẹn cho tương lai, nhưng đòi hỏi không ít nỗ lực của mình buổi đầu. Câu "lửa thử vàng, gian nan thử sức" không còn gì đúng hơn trong giai đoạn đầu tiên ở Mỹ này!
Quay lại ngôi trường Adult School của mình. Ở đó ngoài tiếng Anh, người ta dạy nhiều nghề căn bản khác: thư ký (secretary), cashier(người đứng tính tiền cho các tiệm), nhân viên phụ tá trong các phòng mạch của bác sĩ, nha sĩ(medical assisstant), nhân viên kế toán(accountant technician).....Mình thì chỉ gắng học tiếng Anh để chờ đợi một năm sau đi học College giá rẻ, và để nghe nói dễ dàng hơn. Ngôi trường rất đơn giản, nếu không muốn nói là nghèo nàn. Tất cả kinh phí tiểu bang cho trường được dùng chính cho việc điều hành trường hoạt động trôi chảy, chứ không đủ để làm đẹp ngôi trường. Đó chỉ là tập hợp những dãy trailers (kiểu như loại nhà lưu động mobile home). Tuy vậy, ngôi trường vẫn có đủ các tiện nghi căn bản: hệ thống sưởi, điều hoà không khí, bồn rửa tay, cho tất cả các phòng học.
Cách thức dạy tiếng Anh của họ rất khác với cách dạy ở Việt Nam. Vào lớp việc đầu tiên của các thầy cô giáo là chia cắt những người học sinh cùng nói một thứ tiếng, không cho họ ngồi gần nhau. Ngồi xen kẽ giữa các học sinh khác không nói cùng ngôn ngữ với mình sẽ ép buộc người học sinh không còn cách nào khác, phải dùng tiếng Anh để giao tiếp. Học sinh viết và đọc rất ít, mà thay vào đó là trò chơi, là thảo luận, và học ...hát. Những bài hát mình thích nhất, mãi cho tới bây giờ cũng vẫn thích: What a Wonderful World, God Bless America, và bài quốc ca Mỹ.
Các anh chị lớp lớn hơn mình, trước năm 1975 có lẽ đã có dịp nghe bài quốc ca Mỹ, mình lúc đó vẫn còn nhỏ lắm, chưa từng nghe bài này. Đến ngày tới Mỹ, còn dặn ông xã khi nào TV có phát bài quốc ca thì nhớ nhắc để em để ý nghe.
Khi nghe chẳng thấy hay, vì chẳng hiểu lời. Rồi vào học ở đây, các thầy cô giáo bắt đầu dạy về tất cả những gì liên quan đến văn hóa Mỹ, mỗi thứ một ít, những điểm mốc quan trọng trong lịch sử Mỹ, hệ thống chính quyền, các phong trào dân chủ từ ngày lập quốc cho đến giờ. Họ dạy cho học sinh các chi tiết lịch sử liên quan đến bài quốc ca. Những chi tiết cảm động ấy đã làm cho mình có một cảm nhận khác về bài hát này, và chẳng bao lâu sau, một cách rất tự nhiên, mỗi lần nghe bài hát lòng mình lại cảm thấy rưng rưng, và nước mắt cứ chực trào ra.
Nước mắt cứ chực trào ra là vì lòng mình ngày một ngày hai đã thấm đậm cái tình người mà đa số người ta đối đãi với nhau ở xứ này.Từ tình người của những thầy cô giáo ở trường Adult School chăm chút cho những đứa học sinh tuy không còn bé bỏng gì nữa, nhưng vẫn đang chập chững bước vào đời, với một tấm lòng yêu thương và trân trọng, dắt díu từng bước một; cho tới những người hàng xóm mà khi bạn về nhà mới trong xóm của họ, đã bỏ thời gian nướng một cái bánh, nấu một món ăn, mang đến gõ cửa nhà bạn, làm quà cho bạn, mừng bạn đã đến sống ở khu hàng xóm này; hay thậm chí một cảnh sát viên chặn xe mình lại trên đường, nhưng không bắt phạt mình mà chỉ nhắc nhở đi chậm hơn và để ý đến giới hạn tốc độ của đoạn đường để giữ an toàn.
Đôi lúc mình tự hỏi: mình có bị ngoại lai và vong bản không? Chắc chắn là không, vì nếu có mình đã không ngồi đây viết những dòng này. Mình vẫn mong một ngày nào đó, sự độc tài trên quê hương sẽ bị tiêu diệt, người với người biết sống yêu thương nhau hơn, bớt lừa lọc, xảo trá trong đối đãi với nhau, bài quốc ca sẽ không còn là " đường vinh quang xây xác quân thù". Cho tới ngày ấy, dù thời gian đôi lúc eo hẹp, mình cũng vẫn sẽ viết, về những điều hay lẽ dở ở đời mà mình trải qua được, góp được ít nhiều sự tích cực cho cái quê hương mà mình đã bỏ lại ở phía sau, mà tình yêu quê hương thứ hai này không làm cho mình phải hổ thẹn!
(Viết bài này nhân hôm qua nghe người bạn Danh Lam Nguyễn cảm thấy xốn xang khi nghe con gái hát America: my home, my land, my country...làm cho mình cũng phải bâng khuâng tự hỏi, vì sao mình lại thấy rưng rưng khi nghe bài quốc ca Mỹ mà không hề đặt câu hỏi TẠI SAO...)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen