Montag, 17. April 2017

Liệu Kim Jong Un có sợ bom của Donald Trump ? Tú Anh

Tú Anh

Để chứng tỏ quyết tâm ưu tiên hành động hơn là lý thuyết, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng đã đến lúc giải quyết « dứt điểm » hồ sơ Bắc Triều Tiên. Chủ nhân mới của Nhà Trắng có trong tay bốn loại vũ khí: kinh tế, gián điệp, đàm phán và quân sự. Theo giới phân tích, mỗi biện pháp đều có giới hạn, một phần vì tính chất đặc biệt của chế độ Bình Nhưỡng.
GBU-43, quả bom quy ước có sức công phá dữ dội nhất của Mỹ, được ném ở Afghanistan để hủy diệt một hệ thống hang động của Daech, có thể xem là một lời cảnh báo đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un : nước Mỹ của Donald Trump sẽ hành động khi phải hành động.
Theo Reuters, cho đến nay, mọi biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại, tài chính của quốc tế không làm chế độ Bình Nhưỡng chùn bước. Hết thử nghiệm hạt nhân đến phóng tên lửa tầm trung, tầm xa, Bắc Triều Tiên từng bước cải tiến sức mạnh vũ trang chiến lược và buôn lậu để tồn tại. Sau vụ phóng tên lửa bị thất bại hồi tuần trước, Bắc Triều Tiên chờ đợi một loạt biện pháp trừng phạt mới. Theo giới chức Mỹ, chiến lược này bao gồm bốn kế hoạch : bao vây kinh tế, tấn công mạng, áp lực ngoại giao và tấn công quân sự. Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có những giới hạn cản trở.

Về kinh tế, theo Reuters, Washington dự kiến sẽ thêm một loạt biện pháp ngăn cấm mới gần như là phong tỏa nhiên liệu, nhất là dầu hỏa, hàng không dân dụng, thương thuyền và trừng phạt những ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên. Nhưng giới chuyên gia ở Washington không tin là Bắc Kinh ngồi yên nhìn Bắc Triều Tiên sụp đổ, đưa đến một làn sóng di dân tràn qua Trung Quốc.
Biện pháp thứ hai là gián điệp mạng và tình báo. Trước khi chính quyền Hồi giáo Iran chấp nhận đàm phán với lục cường tây phương một thỏa thuận về hạt nhân để được bỏ cấm vận thì Hoa Kỳ, với sự trợ giúp của Israel, đã thành công trong việc cài virus Stuxnet, phá hủy hàng ngàn máy ly tâm tinh lọc uranium của Teheran. Thế nhưng, chính quyền Barack Obama bị thất bại khi tìm cách dùng virus Stuxnet tấn công chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong suốt hai năm 2009 và 2010.
Thất bại này không gây ngạc nhiên vì một giới chức tình báo cao cấp của Mỹ đã giải thích : Bản chất khép kín của chế độ Bình Nhưỡng làm giảm hiệu năng của tình báo Mỹ và hệ thống viễn thông cô lập đã vô hiệu hóa những tấn công mạng từ bên ngoài. Theo báo chí Mỹ thì Washington buộc phải tập trung « ngăn chặn » tên lửa của Bình Nhưỡng một khi đã rời dàn phóng và ít nhiều đã cải tiến được chiến thuật « làm tắt máy » bằng cyber-attack.
Về giải pháp ngoại giao, có lẽ đây không phải là lá chủ bài của Donald Trump, ít ra là ở bề mặt. Chưa bao giờ chủ nhân mới của Nhà Trắng tuyên bố có ý định mở lại đàm phán sáu bên, bị gián đoạn từ 7 năm nay. Thỏa thuận cho phép thanh tra quốc tế kiểm tra nhà máy hạt nhân Yongbyon đạt được vào năm 2012 đã bị Bình Nhưỡng đình chỉ trong sự bất lực của tây phương.
Phương án thứ tư là phong tỏa các hải cảng của Bắc Triều Tiên và dùng tên lửa hành trình hủy diệt các cơ sở hạt nhân và tên lửa. Sau khi ra lệnh cho một hải đội tác chiến gồm hàng không mẫu hạm và nhiều tàu khu trục trang bị tên lửa tiến về Bắc Á, tổng thống Donald Trump cho biết huy động thêm một lực lượng tàu ngầm. Các biện pháp phong tỏa hàng hải, cấm vận hàng không, bao vây kinh tế nằm trong một nỗ lực làm lung lay và làm sụp đổ chế độ khép kín của dòng họ Kim.
Chưa rõ Bình Nhưỡng chịu đựng đến mức độ nào nhưng thứ Sáu tuần trước, tướng Choe Ryong Hae (Thôi Long Hải), hiện giờ là nhân vật số hai của chế độ, đe dọa trước : « Mọi tấn công của Mỹ sẽ bị đáp trả một cách tàn khốc ». Nếu tổng thống Donald Trump dùng quả bom quy ước GBU-43 làm thông điệp thì cũng không chắc gì « thông điệp » này lung lạc được đối thủ ở thế cùng và phản ứng cũng khó lường không khác gì nhà tỷ phú địa ốc.
Theo đại sứ hồi hưu Chris Hill, trưởng đoàn đàm phán của Mỹ thời tổng thống George W Bush, thì ít nhất 20 triệu thường dân Hàn Quốc nằm trong tầm đạn đại bác của Bắc Triều Tiên. Do vậy, cho dù tổng thống Donald Trump tuyên bố cứng rắn nhưng cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster đã phải nhấn mạnh : Quân sự là phương án sau cùng.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen