Donnerstag, 16. Februar 2017

Kim Jong-nam từ « Tiểu tướng » đến đứa «con hoang » của chế độ Bình Nhưỡng

RFI


Kim Jong-nam ( phải) bị cảnh sát Nhật bắt giữ tại sân bay Narita, Tokyo Nhật Bản ngày 4/05/2001 vì dùng hộ chiếu giả.Kyodo/via REUTERS
Kim Jong-nam người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên từng được mệnh danh là « Tiểu tướng » rồi nhanh chóng chuyển thành đứa « con hoang » của chế độ Bình nhưỡng. Sau nhiều năm sống lưu lạc ở nước ngoài cuối cùng ông đã bị sát hại ngay giữa phi trường quốc tế Kuala Lumpur ngày 14/02/2017.  Nhìn lại cuộc đời chìm nổi của  "thái tử" đỏ gia đình họ Kim.
Vụ sát hại người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un diễn ra nhanh chóng trong hoàn cảnh bí ẩn đang thu hút dư luận trên cả thế giới. Mọi nguyên nhân và cách thức hạ sát vị thái tử trong « triều đại » nhà Kim này vẫn còn phải chờ kết quả điều tra và khám nghiệm tử thi của chính quyền Malaysia.
Kim Jong-nam sinh năm 1971, kết quả của cuộc tình bí mật giữa cha ông là Kim Jong il và bà Sung Hae-rim, một nữ diễn viên sinh tại Hàn Quốc và đã chết trong một bệnh viện tâm thần tại Matxcơva. Song Hae-rim lớn hơn ông Kim Jong-il 4 đến 5 tuổi và đã kết hôn với một người đàn ông khác lúc bắt đầu mối quan hệ với ông Kim Jong-il. Ông Kim Jong-il đã giấu cha mình, cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành, chuyện ông có con với bà Song Hae-rim.
Thời điểm Kim Jong-nam ra đời, ông Kim Jong-il đã được nhắm lên nối nghiệp cha. Nếu mối quan hệ với bà Song bị bại lộ, con đường chính trị ông đang đi chắc chắn sẽ bị đổ vỡ. Thế nên, ngay từ bé, Kim Jong-nam đã bị đưa đến sống tại một địa điểm bí mật ở trung tâm Bình Nhưỡng, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Dù phải che dấu thân phận như vậy , nhưng vì là con trai của Kim Jong il, Kim Jong-nam vẫn được nuôi dạy trong nhung lụa như một thái tử. Ông được gửi đi du học tại Thụy Sĩ rồi Nga với hy vọng sẽ nối nghiệp cha. Kết thúc việc học hành, Kim Jong-nam trở về Bình Nhưỡng và được giao nhiệm vụ lãnh đạo chiến lược phát triển tin học cho Bắc Triều Tiên. Cuộc sống của Kim Jong-nam diễn ra êm đẹp ở trong nước, ông được mệnh danh là « Tiểu tướng » bởi đơn giản ông là con trai « Đại tướng lãnh tụ kinh yêu Kim Jong il », theo báo chí tại Seoul.
Cho đến đầu những năm 2000 cuộc đời của « Tiểu tướng » này bắt đầu rẽ sang ngả khác khi ông ta bị bắt giữ tại sân bay Tokyo cùng với hai người phụ nữ và một đứa trẻ vì tội dùng hộ chiếu giả Dominicana. Ông khai với chính quyền lý do dùng giấy tờ giả là muốn vào Nhật thăm công viên Disneyland. Sai lầm đó đã làm cho Kim Jong-nam bị mất lòng tin của cha.
Sau sự kiện đó, người ta thấy Kim Jong-nam cùng gia đình sống ở nước ngoài, khi thì Macao, lúc thì Singapore hay Trung Quốc. Ông cũng cho biết thường xuyên lui tới Bangkok, Matxcơva và nhiều nước Âu châu khác.
Theo một số nhà quan sát về Triều Tiên thì không hẳn bị thất sủng nên Kim Jong-nam phải sống lưu lạc ở nước ngoài mà là khi đó ông đóng vai trò một doanh nhân làm kinh tài cho chế độ. Kim Jong-nam vẫn giữ liên hệ với bộ máy an ninh nội địa ở Bình Nhưỡng song song với hoạt động làm ăn tại nước ngoài.
Năm 2011, khi Kim Jong-il quan đời, người em cùng cha khác mẹ Jong-un bất ngờ được chọn làm người nối ngôi cha. Tuy nhiên ngày cả trước khi sự việc này diễn ra, Kim Jong-nam  nhiều lần khẳng định không ham hố quyền lực. Ngay từ năm 2010, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình nhật Asahi TV ông cho biết không đồng  ý với cách thức chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ 3 của gia đình. Năm 2011, Kim Jong-un lại một lần nữa khẳng định với báo chí Nhật là cha ông cũng không đồng tình với việc kế thừa quyền lực cho Kim Jong-un nhưng vì sự ổn định của đất nước nên ông buộc phải chọn.
Một năm sau khi Kim Jong –un lên nắm quyền, Kim Jong-nam đã có những tuyên bố tỏ nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của người em cùng cha khác mẹ còn rất trẻ này. Trong một lần trả lời báo Nhật, Tokyo Shimbun, qua thư điện tử Kim Jong-nam viết : « Tôi tự hỏi làm sao mà một người kế vị trẻ với chỉ 2 năm chuẩn bị lại có thể đảm nhiệm được quyền lực tuyệt đối ». Ông ta còn nhận định : « Có thể giới ưu tú nắm quyền hiện nay muốn kế thừa quyền lực của cha tôi bằng cách đẩy Kim Jong-un lên đóng vai trò tượng trưng ».
Ít ngày sau đó, một cuốn sách mang tiêu đề « Cha tôi Kim Jong-il và tôi », do các nhà báo Nhật chấp bút dựa trên những cuộc trao đổi với Kim Jong-nam. Trong cuốn sách đó, Kim Jong-nam nhấn mạnh là chế độ Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt với sự lựa chọn lưỡng nan : " Không cải cách, kinh tế sẽ bị sụp đổ. Nhưng cải cách sẽ dẫn đến khủng hoảng, hồi kết của chế độ ".
Có thể với những tuyên bố mang hơi hướng chống chế độ như vậy, Kim Jong-nam đã tự biến mình trở thành một cái gai của chế độ ?  Một thực tế mà Kim Jong-nam phải nhận thế là quyền lực của người em cùng cha khác mẹ ngày càng được củng cố sau các cuộc thanh toán hàng loạt đối thủ ở trong nước. Ở nước ngoài, Kim Jong-nam cũng đã trở thành một đối tượng nguy hiểm dưới con mặt của Kim Jong-un.
Bị truy lùng, Jong-nam đã cho xuất bản cuốn sách nói trên tại Nhật Bản với hy vọng dùng đó như là bùa hộ mệnh để bảo vệ mình trước người em đầy quyền lực. Theo nhà báo Nhật Yoji Gomi, người có mối quan hệ tin cậy với Kim Jong-nam, « bằng cách cho phép tôi xuất bản cuốn sách, ông ta muốn gửi tới chế độ Bình Nhưỡng một lời cảnh cáo rằng : Nếu các vị đụng đến tối, tôi sẽ phơi bày ra hết ».
Hồi tháng 10 năm 2012, Viện Công tố Hàn Quốc đã công bố thông tin một gián điệp Bắc Triều Tiên bị bắt đã khai nhận tham gia chuẩn bị dàn dựng một vụ tai nạn giao thông tại Trung Quốc nhằm vào Kim Jong-nam. Kim Jong-nam dường như cũng đã cảm nhận thấy nguy hiểm sống bị nhân viên mật Bắc Triều Tiên săn đuổi. Có tin  tình báo Hàn Quốc nói rằng Kim Jong-nam từng gửi một bức thư cho người em cùng cha khác mẹ xin để cho ông và gia đình được sống yên ổn ở nước ngoài. Trong thư Jong-nam giải thích rằng ông không có mấy sự ủng hộ ở Bắc Triều Tiên và ông không hề là mối đe dọa nào đối với quyền lực của người em hay chế độ.
Nhưng hy vọng được sống một cuộc sống lưu lạc bình thường với gia đình của Kim Jong-nam cuối cùng cũng không có được. Vụ ám sát ở Kuala Lumpur hôm qua mang bóng dáng của một vụ thanh toán đối thủ chính trị của chế độ Bình nhưỡng. Điều này đã được Quốc Hội Hàn Quốc khẳng định dựa trên các thông tin tình báo ngay sau cái chết của Kim Jong-nam.
Nếu sự việc được xác nhận chính xác thì đây sẽ là một bằng chứng mới cho thấy sự bạo tàn của chế độ cha truyền con nối ở Bình Nhưỡng. Nó làm người ta nhớ lại hồi tháng 12/2013 vụ Kim Jong-un ra lệnh hành hình ông chú rể Jang Song-thaek, người có thời được coi là nhân vật số 2 của chế độ và luôn kề cận bên Kim Jong-un trong những ngày đầu lên cầm quyền.
Theo nhật báo le Figaro, vụ đầu độc Kim Jong-nam còn là một dấu hiệu cho thấy sự thất bại của Bắc Kinh. Từ lâu nay, các cơ quan mật của Trung Quốc vẫn kín đáo che chở cho « đứa con hoang » của chế độ Bình Nhưỡng nhằm giữ một quân bày chính trị phòng trường hợp « triều đình » ở Bình Nhưỡng có biến họ có thể sắp đặt một lãnh đạo theo ý của mình. Một nhà ngoại giao Hàn Quốc đã thổ lộ với Figaro rằng : « Người Trung Quốc cực kỳ thực dụng, họ nhìn vào tất cả các khả năng lựa chọn, và Kim Jong-nam là một trong số đó. Ngay cả người Mỹ cũng đã tính đến ông ta ».
Nếu đây là một vụ thanh toán mầm mống hậu họa theo kiểu Bắc Triều Tiên thì cuộc truy sát chưa chắc đã kết thúc. Con trai của Kim Jong-nam là Kim Han-sol, từng theo học Khoa học Chính trị tại Pháp, cũng sẽ có thể rơi vào tầm ngắm. Trong suốt thời gian học tại Pháp, anh ta cũng đã được yêu cầu có sự bảo vệ đặc biệt của an ninh Pháp. Năm ngoái Han-sol đã trở về sống ở một nước Á châu và chắc hẳn cũng khó mà thoát khỏi vòng quyền lực sinh sát của ông chú độc tài.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen