Montag, 24. Oktober 2016

Tập nói tiếng „Không“

Phương Tôn



Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, dù dùng bất kỳ ngôn ngữ nào, trẻ con khi bắt đầu tập nói, chúng đều biết dùng chữ „Dạ“ trước khi nói được chữ „Không“ – Ở đây chúng ta tập trung vào trẻ con Việt Nam – Nếu nói đến mặt sinh lý học, biết nói „Dạ“ trước „Không“ là do vần „dờ“ ráp với „ạ“ dễ phát âm hơn vần „khờ“ với „ông“. Về mặt giáo dục, trẻ cũng thường xuyên dùng chữ „Dạ“ nhiều hơn chữ „Không“.

Quan sát sinh hoạt một gia đình người Việt, chúng ta dễ dàng nhận ra điều đó. „Cha Mẹ bảo thì con vâng“ là một trong những nguyên tắc giáo dục của chúng ta. Đứa trẻ được xem là „trẻ ngoan“ nếu biết vâng lời. Đây là điều hoàn toàn đúng và cần được phát huy nếu … những lời dạy bảo là đúng.
Ở đây chúng ta tập trung vào vấn đề, cha mẹ bảo sai mà con cái cũng vâng dạ. Không thiếu gia đình do thói Gia trưởng, những gì Cha Mẹ nói ra đều được xem là chân lý và con cái chỉ một mực tuân theo. Bảo làm là phải làm, bảo nghe là phải nghe… Đứa trẻ không có cơ hội để phân tích, nếu làm thì vì sao mà làm. Con bò mà Cha nói con trâu cũng phải nghe, đã hủy diệt khả năng phân tích, tính phản kháng của đứa trẻ ngay từ tấm bé.
Bước vào tuổi đi học, khả năng phân tích và tính phản kháng của đứa trẻ càng bị nhấn chìm sâu hơn nữa khi trong học đường đứa học sinh ngoan là đứa học sinh biết nghe lời Thầy Cô, học sinh giỏi là đứa học sinh biết làm bài đúng theo đáp án.
Thế nào gọi là trò ngoan? Không trộm cắp, không gian manh, chăm chỉ học hành v.v…thì đúng là trò ngoan. Nhưng trò ngoan không phải là đứa chỉ biết vâng lời khi Thầy Cô buộc chúng phải về nhà lấy tiền nộp học thêm ngoài giờ. Trò ngoan có phải là đứa học trò chỉ biết im lặng lắng nghe những lời giảng dạy mà không một lời phát biểu trái ngược?
Trong những môn học về khoa học tự nhiên, việc nhận ra một học sinh giỏi là điều tương đối không khó vì 1+1= 2 là điều khó nói khác đi, nhưng trong những môn như là Văn chương, Nghệ thuật chẳng hạn, trò giỏi là trò làm bài, trả lời theo đúng đáp án đã đề ra. Học sinh không được dạy, không được khuyến khích động não và cũng không được phép góp ý kiến ngược „dòng“. Chỉ biết „Dạ“ và không được nói „Không“ trong học đường của hàng thập niên qua tạo nên một xã hội chỉ biết làm theo và không dám làm khác những gì từ trên chỉ bảo.
Một cô sinh viên sau khi đi ra khỏi nước để du học tại Mỹ đã nhận ra giá trị của chữ „Không…“, hậu quả xấu khi chỉ biết „Dạ“ trong học đường, đã từng gởi một gửi bức thư cho ông Bộ trưởng Giáo dục, nói lên rõ ràng tình trạng giáo dục ngày nay: „…Em được học môn Văn học Mỹ và Lịch sử trong trường Đại học tại Mỹ. Ngoài ra, em cũng tham khảo ý kiến các thầy cô và bạn bè ở đây về cách dạy Lịch sử ở bậc phổ thông. Theo đó, trong lớp, học sinh được phép thảo luận và nêu ra ý kiến của mình. Với một tác phẩm, các em được phát biểu là “thích” hay “không thích”. Với một sự kiện, các em được thảo luận xem sự kiện đó có hợp lý không, tại sao sự kiện lại diễn ra như thế.
Cách chấm thi ở nước ngoài khác ta ở chỗ là họ không có đáp án cụ thể cho hai môn này. Thang điểm dựa vào khả năng lý luận của học sinh chặt chẽ đến đâu, cách hành văn có trôi chảy không, số lượng dẫn chứng đưa ra có cho thấy là học sinh thuộc tác phẩm không. Những em làm bài sơ sài, văn phong không trau chuốt, hoặc lý luận quá bất hợp lý sẽ bị điểm kém…
Em tin điều này cũng tạo hứng thú khi học Lịch sử và Văn học và được học sinh hoan nghênh. Các em được tham gia vào bài giảng, được nêu ra ý kiến cá nhân và các thầy cô có thể sửa nếu ý kiến đó lệch lạc hoặc bất hợp lý. Hơn thế nữa, khả năng phân tích, cảm thụ và lý luận là những điều học sinh cần phát triển, chứ không phải học thuộc lòng.
Em đã đọc những đề thi tốt nghiệp THPT và Đại học những năm gần đây. Thông thường nhất là câu hỏi: “Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm” hoặc “Theo anh/chị, tác phẩm này/sự kiện này có ý nghĩa thế nào?”. Tuy nhiên luôn có đáp án kèm theo, và các em phải nêu ra được những ý cụ thể y như đáp án thì mới được điểm.
Cảm nhận một tác phẩm văn học nghệ thuật là điều khó và không ai giống ai, vì vậy, không được lèo lái để người khác cũng cảm nhận như mình. Những đáp án cho những tác phẩm văn học nghệ thuật trong học đường chẳng qua cũng chỉ là những cảm nhận của một số người nào đó mà thôi. Những cảm nhận đó có thể được xem là mẫu mực cho ngày hôm nay nhưng  sẽ có giá trị như thế nào trong vài thập kỷ sau? Cứ nhìn vào cách đánh giá bằng những lời lẽ tồi tệ, những quan điểm thù hằn mà học sinh được giáo dục về triều đại nhà Nguyễn trong biết bao năm qua mới thấy cái tai hại khi bắt buộc học sinh học đúng theo một định hướng chính trị. Giá mà trong hàng chục năm qua học sinh được phép nêu ý kiến, nói ngược đáp án thì ngày nay người ta không phải tổ chức những buổi hội thảo nhằm đánh giá lại giá trị các tác phẩm của các tác giả trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.
Khả năng phân tích, lý luận không được khuyến khích trong học đường tạo cho học sinh sinh viên ngày nay chỉ biết nói „Dạ“, cộng thêm việc không được khuyến khích nói „Không“, khi bước vào cuộc đời khả năng phản kháng tự nhiên trong con người cũng bị tàn lụn. Người ta chấp nhận tất cả mọi điều được đặt ra, dù vô lý, dù đi ngược lại với Hiến Pháp v.v… để được yên thân, để được thăng quan tiến chức.
Cái giá để nói được tiếng „Không“ hoàn toàn không rẻ nhưng một khi vượt qua được lối giáo dục giáo điều, vượt qua được sợ hãi thì một khung trời tự do sẽ mở rộng chào đón những người tự tin, mạnh dạn nói được tiếng phản kháng „Không“ như Nicolas Chamfort (1741 – 1794) nhà văn người Pháp đã từng nói „Khả năng nói được tiếng ‘KHÔNG’ là bước đầu tiên đến Tự do.“

Thử nhìn vào phản ứng của báo chí trong các vụ án gây ô nhiễm môi trường, tàn phá tài nguyên biển của bốn tỉnh miền trung v.v… vừa qua, mới thấy khả năng lý luận, phân tích đâu là lẽ phải như bị chìm lắng trong cơn bão sợ hãi. Ngậm miệng, không phản kháng của một tầng lớp được xem là trí thức ưu tú phản ảnh rõ ràng cái hệ quả xấu của lối giáo dục giáo điều, lối giáo dục nhằm đào tạo những con người phục tùng!
Một khi không nói được tiếng „Không“ nhưng phải tiếp tục sống, người dân cuối cùng chỉ còn một giải pháp duy nhất là tìm cách trốn chạy khỏi quê hương. Bạn tôi, người phụ nữ xứ Quảng nhỏ nhắn, yếu đuối, cô thế nhưng khi đối diện với những vấn nạn hàng ngày như không biết ăn cái gì cho khỏi bị nhằm chất độc, hoặc sau khi đọc bài báo „Bức Tử Sông Hồng“ bởi từng đoàn xe chở chất thải hoá học đổ xuống lòng sông, cũng đã biết đặt vấn đề, thốt lên những lời lo âu cho tương lai dân tộc. Cô đưa ra một tầm nhìn xa về một cuộc di cư khổng lồ vì môi trường sẽ phải xảy ra rất logic, đáng suy ngẫm. Hãy thử nhìn lại:
Kể từ thời điểm 1975, sau khi mất Tự do, Công lý bị chà đạp, đã có hơn một triệu người dân Việt sẵn sàng bỏ thân trên biển để đi tìm tự do, họ đã xin tỵ nạn chính trị tại những nước Tây phương. Do chính sách kinh tế sai lầm, mù quáng từ một mớ lý thuyết hỗn độn, hoang tưởng, đã có hàng trăm ngàn người Việt phải bỏ quê hương đi lang thang tìm kiếm một đời sống vật chất dồi dào hơn. Họ bán thân cho những cái được gọi là „Hợp đồng Lao động nghĩa vụ quốc tế“ hoặc nuốt nước mắt đi làm dâu xứ người. Đấy chính là một cuộc tỵ nạn kinh tế mà trong lịch sử ngay dưới thời chiến tranh nghèo khó cũng chưa bao giờ xảy ra. Rồi vì đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp trầm trọng do một nền giáo dục vong bản, một số lớn gia đình có điều kiện vật chất đã tìm cách đưa con cái ra khỏi nước. Một thế hệ trẻ ưu tú được cho đi du học và sẽ không bao giờ trở lại, hay nói đúng hơn nhà nhà người người đang cho con cái lên đường ra nước ngoài để được thụ hưởng một nền giáo dục Nhân bản. Nói trắng ra, họ đang cho con cái đi tỵ nạn Văn hóa. Vậy thì tới đây, khi sông hồ biển cả bị đầu độc, nước sạch không còn để dùng, ruộng đồng khô cạn vì bị nhiễm mặn, thực phẩm sạch không có để ăn, không khí sạch không có để thở, thì việc người dân ngóng nhìn đến một khung trời trong lành ở xứ người là điều tất nhiên, không có gì khó hiểu. Khi đó, chỉ cần một cơ hội nào đó xảy ra thì làn sóng người Việt đi tỵ nạn môi trường sẽ không có gì ngăn chận được.
Thấy được nguy cơ đó, liệu những người cầm bút của hơn 600 tờ báo của cùng một ông chủ sẽ phản ứng như thế nào? Họ vẫn ngậm miệng ăn tiền hay sẽ mạnh dạn nói một chữ „Không“ với hàng Tàu độc hại, nói „Không“ với Formosa và nhất là nói „Không“ với những chủ trương chính sách sai lầm của nhà nước hiện nay?
Phải cần có thời gian để đất nước có được nền Dân chủ Pháp trị. Thời gian sẽ giúp cho nhà nước rút thêm kinh nghiệm điều hành (xấu hay tốt), thời gian cũng giúp cho người dân học hỏi thêm về nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Nhưng để được thụ hưởng quyền lợi của mình, điều quan trọng là chúng ta phải tập nói tiếng „Không“. Tập nói: „Không, tôi không chấp nhận“. Vì Phản đối, Không chấp nhận… là quyền lợi của người dân được Hiến Pháp minh bạch ghi rõ.
Phương Tôn
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen