Montag, 31. Oktober 2016

Những anh hùng mũ sắt trắng

Lý Anh
Hơn 5 năm qua, từ năm 2011 tới nay, cuộc nội chiến Syria với sự can thiệp của Nga cùng một số nước Trung Đông thân Nga như Iran… với Hoa Kỳ và một số nước Ả Rập thân Mỹ ngày càng ác liệt. Những tháng gần đây, dân chúng Syria phải hứng chịu những cuộc ném bom dữ dội chưa từng có trong lịch sử nước này.
Trước tình trạng đó, một số người dân Syria ở khu vực quân nổi dậy tình nguyện tham gia vào Đội tự vệ Syria (Syria Civil Defense – SCD), còn gọi là Mũ sắt trắng (White Helmets) đến những nơi bom đạn tàn phá cứu những người còn sống sót và thu dọn cảnh hoang tàn.
Hành động dũng cảm của họ được cộng đồng quốc tế ca ngợi. Năm 2016 được đề cử vào danh sách các cá nhân và tổ chức được bình chọn để tranh giải Nobel Hòa Bình 2016 …
Nội chiến…
Năm 2011, những bất ổn trong khu vực, đặc biệt là cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập tại Tunisia, Ai Cập và Libya ảnh hưởng đến phong trào biểu tình chống chính phủ Bashar al-Assad tại Syria. Sau vụ nhà cầm quyền Syria bắt giữ và tra tấn 15 thiếu niên vẽ tranh tường chống chính phủ, các cuộc biểu tình phát triển rầm rộ. TT Bashar al-Assad ra lệnh cho quân đội chính phủ dùng xe tăng, đại bác chống lại người biểu tình.
Phong trào phản kháng nhanh chóng lan rộng, các nhóm đối lập bắt đầu tổ chức các phe phái chính trị và quân sự chống chính phủ, dẫn đến việc chính phủ sử dụng sức mạnh quân sự để phản công, dân thường cũng bị ảnh hưởng. Năm 2012, căng thẳng giữa hai phe ngày càng gay gắt biến thành cuộc nội chiến.
Tháng 08/2013, một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra phía ngoài thủ đô Damascus (Syria), gây làn sóng phản ứng từ nhiều nước. Tháng 09/2013, Liên Hiệp Quốc xác nhận vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria nhưng không nêu rõ kẻ nào là thủ phạm. Chính phủ và phe nổi dậy đổ lỗi cho nhau.
Đầu năm 2014, một nhóm cực đoan nổi lên tại Iraq tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS). Tổ chức này nhanh chóng gây ra nhiều cuộc khủng bố ghê rợn đối với những ai phản đối quan điểm cực đoan của chúng. IS nhanh chóng chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và tràn sang Syria. Lợi dụng tình hình bất ổn, IS tiếp tục giành quyền kiểm soát nhiều vùng rộng lớn khắp Syria. Tháng 09/2014, Mỹ, Anh và một số nước phương Tây thành lập liên quân thực hiện các cuộc không kích nhằm ngăn chặn và tiêu diệt IS tại Syria và Iraq.
Hoa Kỳ xưa nay vẫn cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho phe chống đối chính phủ để lật đổ tổng thống độc tài Bashar al-Assad đã cầm quyền và đàn áp dân Syria gần hai chục năm nay. Cộng hòa Nga dựa vào yêu cầu của TT Bashar al-Asaad, đưa quân vào Syria. Ngoài việc cho máy bay ném bom vào những nơi quân khủng bố IS chiếm đoạt, còn đánh phá những khu vực quân nổi dậy và nhiều khu dân cư. Kết quả không tiêu diệt được quân khủng bố IS, lại giết chết hàng trăm ngàn dân chúng Syria.
Ngày 09/09/2016, sau nhiều tháng đàm phán giữa Cộng hòa Nga và Hoa Kỳ, ngày 12/09, thỏa thuận đình chiến bắt đầu có hiệu lực ở Syria. Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng, đây chỉ là một phần của thỏa thuận phức tạp có thể bị tan vỡ khi va phải thực tế cuộc nội chiến ở Syria…
Lệnh ngừng bắn chỉ kéo dài được đúng một tuần từ ngày 12 đến 19/09. Trong suốt thời gian ngừng bắn, quân chính phủ Syria tố cáo quân nổi dậy tấn công họ hàng trăm lần. Nga buộc tội Mỹ không khuyên bảo đồng minh của họ ở Syria ngừng bắn. Đặc biệt là vụ Mỹ oanh kích quân khủng bố IS nhưng lại lầm vào quân chính phủ khiến 60 binh sĩ quân chính phủ tử vong ngày 17/09. Ít giờ trước khi Syria thông báo chấm dứt lệnh ngừng bắn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khẳng định bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng, lệnh ngừng bắn rất mong manh nhưng có thể giữ được. Từ đó, cuộc nội chiến Syria lại càng căng thẳng… Máy bay Nga lại ném bom vào khu quân nổi dậy chiếm giữ. Tất nhiên, kẻ bị thiệt hại và thương vong nhiều nhât chính là dân chúng Syria…
Theo Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria và Liên Hiệp Quốc, kể từ tháng 03/2011, ít nhất gần 300.000 người đã thiệt mạng ở Syria. Hơn 4,8 triệu người bỏ nước đi tìm con cuộc sống mới, khoảng 6,5 triệu người phải dời khỏi quê cha đất tổ…
… và đội tự vệ Mũ sắt trắng
Đội tư vệ Syria (SCD), còn gọi là Mũ sắt trắng (White Helmets), thành lập ở Instanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Họ xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội Syria như dược sĩ, thầy giáo, viên chức ngân hàng, công nhân… thấy cuộc nội chiến Syria ngày càng tàn khốc, tình nguyện gia nhập đội để cứu trợ người dân Syria đang bị chiến tranh hủy diệt. Không riêng gì nam giới, nhiều phụ nữ Syria cũng tình nguyện gia nhập tổ chức này. Tính đến tháng 10/2016, SCD có gần 3.000 đội viên.
Đầu năm 2013, James Le Mesurier, cố vấn an ninh người Anh, mở lớp huấn luyện cho các đội viên SCD. Chủ yếu là hướng dẫn cho họ biết cách đối phó với những cuộc ném bom của quân đội chính phủ xuống nơi dân chúng sinh sống trong khu vực quân nổi dậy kiểm soát. Nội dung bài giảng bao gồm cứu chữa các vết thương, chỉ huy, khống chế và thu dọn cảnh hoang tàn sau khi bị tàn phá …
Năm 2014, James Le Mesurier thành lập Mayday Rescue (Hội cứu trợ Tháng Năm) ở Hà Lan, thông qua sự tài trợ của quốc tế. Mayday Rescue có văn phòng tại Amsterdam, Dubai, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 06/2016, James Le Mesurier được chính phủ Anh Quốc trao tặng Huân chương Ưu tú của Hoàng gia Anh (Order of the British Empire – OBE) về huấn luyện đội Dân phòng (SCD) và bảo vệ dân chúng Syria.
SCD không lệ thuộc vào Tổ chức Dân Phòng Quốc tế (International Civil Defence Organisation), cũng không quan hệ với Đội phòng vệ dân sự Syria (Syrian Civil Defence Forces) vốn là một thành viên của Hội phòng vệ Dân sự Quốc tế (International Civil Defence Organisation – ICDO) từ năm 1972.
Nhiệm vụ của đội viên SCD là, sau các cuộc không kích, trong một thời gian ngắn nhất có thể cứu được nhiều người nhất, cố gắng giảm bớt thương vong cho người bị nạn và giảm bớt thiệt hại tài sản của dân chúng. Họ làm những việc trong 15 nhiệm vụ dân phòng ghi trong Luật Nhân đạo Quốc tế (International Humanitarian Law (IHL).
Từ 30/09/2015, sau khi Nga can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, đội viên SCD gánh thêm nhiệm vụ nặng nề là cứu trợ người dân ở những khu vực bị không quân Nga oanh tạc …
Tính đến tháng 10/2016, các tình nguyện viên SCD đã cứu được khoảng 60.000 người. Ngoài công tác cứu sống những người bị thương, đội viên SCD còn sửa chữa những công trình, những ngôi nhà bị bom đạn tàn phá hay nối lại đường dây điện bị đứt… Đội viên SCD thường đến làm việc ở những nơi nguy hiểm nhất ở Syria. Sau những trận mưa bom dội xuống Syria, đội viên SCD Syria đội mũ sắt trắng xuất hiện tại những nơi đổ nát. Họ dũng cảm vượt qua đống đổ nát tìm kiếm những người bị chôn sống, sơ cứu, đưa người bị thương tới bệnh viện gần nhất và giúp xây dựng lại cơ sở hạ tầng.
Khi trả lời phỏng vấn của giới truyền thông quốc tế, Raed Saleh, 33 tuổi, tổng chỉ huy SCD cho biết: Tại các khóa huấn luyện, các thiện nguyện viên được học cách phá bê tông và dập lửa. Tình nguyện viên cứu giúp bất cứ ai, không phân biệt họ thuộc phe nào trong cuộc xung đột. Anh nói: “Nhóm hoạt động theo nguyên tắc: Nhân đạo, đoàn kết và không phân biệt người bị thương thuộc phe phái nào. Các nhân viên cứu trợ trung lập, không vũ trang và ít được đào tạo đã cứu sống hàng chục ngàn người dân Syria. Con số này đang tăng lên hàng ngày. Tuy nhiên, cũng có nhiều người mà nhóm không tiếp cận được. Đó là những đứa trẻ bị kẹt dưới đống đổ nát mà chúng tôi không thể nghe tiếng khóc của chúng. Từ ngày thành lập đến nay SCD có khoảng trên dưới 130 người chết. Tính ra, khoảng 5% đội viên SCD thương vong”.
Về kinh phí, mỗi năm SCD chi tiêu khoảng 30 triệu Mỹ kim do các nước phương Tây tài trợ. Những đội viên làm việc toàn thời gian được cấp mỗi tháng 150 Mỹ kim tiền sinh hoạt. Các đội viên Dân phòng Syria vào sinh ra tử cứu những người bị nạn được ca ngợi là anh hùng, nhưng không nêu rõ tên tuổi, được nhiều người ca ngợi là anh hùng vô danh đội mũ sắt trắng.
SCD từng được đề cử vào danh sách tranh giải Nobel Hòa Bình năm 2016. Trong dự đoán cá nhân hay tổ chức nào sẽ đoạt giải Nobel Hòa Bình 2016, The Guardian từng có lựa chọn trùng quan điểm với Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (The Peace Research Institute Oslo (PRIO) khi cho rằng, SCD ở Syria xứng đáng được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay. Họ làm việc với phương châm “cứu một mạng người để cứu lấy loài người”… bởi vậy rất xứng đáng nhận giải Nobel Hòa Bình 2016.
Mặc dù cuối cùng SCD không trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa Bình 2016, nhưng việc làm của họ được toàn thế giới ca ngợi, xứng đáng là những người anh hùng vô danh.
Lý Anh
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen