Dienstag, 19. April 2016

Những quy định lạ đời và sai lầm thế kỷ


Nói đến những quyết định và quy định lạ đời ở VN thì quá nhiều. Những quyết định người dân cho là ngớ ngẩn, cười ra nước mắt hay gay gắt hơn có người còn gọi quyết định… ngu ngốc khiến người dân cười không được khóc không xong.
Những chuyện đó tưởng rằng qua lâu rồi nhưng sự thật thì nó vẫn còn đó và đến nay lại nguy hại hơn rất nhiều. Đó là công trình làm thủy điện Thủy điện An Khê - Ka Nak tại Gia Lai.

Ngày 1/4 vừa qua, phát biểu trước Quốc hội, ông Huỳnh Thành, ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, Thủy điện An Khê - Ka Nak là “công trình sai lầm thế kỷ”, hủy hoại môi trường; gây hạn hán và ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Tôi sẽ tường thuật ở phần sau.

Trước hết tôi điểm lại một vài quyết định lạ đời đã từng được dư luận đả kích kịch liệt, còn gọi là sản phẩm của những anh ngồi bàn giấy vẽ hươu vẽ vượn cho có việc làm.

Gọi là ngu ngốc thì hơi quá đáng nhưng không hẳn là không đúng với những bộ óc ngắn, chức vụ lại cao nhờ “nhất thân nhì thế”, nhờ chạy cửa trước, luồn cửa sau, đồng bạc đâm toạc tờ giấy, cứ có tiền là chạy chức gì cũng xong.

Tôi nghĩ chính những quyết định ngớ ngẩn này đã dẫn đến tình trạng “sai lầm thế kỷ” như hiện nay. Vì thế tôi điểm lại những quyết định đó trước. Chắc một số bạn đọc còn có thể nhớ đến những chuyện khôi hài này.

Yêu cầu nhân viên trạm thu phí…khâu túi quần áo

Đầu tháng 4-2006, các nhân viên của Trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hết sức ngạc nhiên khi ông trạm trưởng đột ngột thông báo: Để ngăn chặn tiêu cực xảy ra, từ ngày 15-4-2006 toàn bộ cán bộ, nhân viên của trạm phải khâu túi quần, túi áo lại khi đi làm. Lúc đầu các nhân viên đều nghĩ ông trạm trưởng... đùa.

                                                       
                                                    Quyết định nhân viên phải khâu túi áo túi quần

Một số người gọi điện thoại đến các trạm thu phí khác của Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 234 (Cục Đường bộ) thì nhận được thông tin "sếp" bên đó cũng yêu cầu nhân viên phải khâu túi quần, túi áo khi đi làm!
Thắc mắc lên lãnh đạo Công ty 234 thì giám đốc cho biết: "Tất cả các trạm thu phí của công ty, nhân viên phải khâu túi quần, túi áo lại khi đi làm". Chả biết quy định này có hiệu quả như thế nào trong việc ngăn chặn tiêu cực nhưng mới thực hiện được mấy ngày, nó đã khiến người ta phải cười ra nước mắt!

Trước quy định của cấp trên, anh T.M.T không biết phải "báo cáo" với cô vợ mới cưới như thế nào, nhờ mẹ thì lại càng dở. Tính toán mãi, đến đêm hôm trước ngày quy định có hiệu lực, T. phải tự làm lấy.
Nửa đêm chờ vợ ngủ, T. mới lọ mọ dậy tìm kim chỉ tự khâu túi quần, túi áo của mình. Chiếc túi quần mới khâu được một nửa, cô vợ thức giấc. T. giải thích thế nào vợ anh cũng không tin, cho rằng T. bị mộng du.

Đúng là một quyết định lạ nhất thế giới chỉ có thể xảy ra ở VN trong thời đại này thôi. Xin kể thêm một “luật mới” cũng quái đản không kém:

Ngực lép không được lái xe

Thông tư này thực chất tồn tại từ năm 2001 – 2008.
Thông tư quy định việc cấp bằng lái xe: Giấy phép lái xe chỉ được cấp cho người có cân nặng trên 40kg, vòng ngực từ 72cm trở lên…

                                    
                                 Quy định ngực lép không được lái xe trên 50cm3 một thời gây bão dư luận

Câu chuyện về tiêu chí sức khỏe bỗng chuyển thành luận bàn về vòng 1 của phụ nữ, không ít người còn bày tỏ sự cảm thông với những chị em ngực bé! Nhiều cô hỏi nhau không biết cảnh sát giao thông có cầm thước dây đi đo vòng 1 của chị em ta không?​

                                    
                                 Các bà, các cô rủ nhau đi nâng cấp vòng 1 cho đạt tiêu chuẩn của quy định

Nhưng sau đó “dự thảo mới nhất của Thông tư liên tịch” quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe đã bỏ quy định “ngực lép”, song thêm vào đó là các quy định gù, vẹo, ưỡn cột sống... không được lái xe.

Đúng là lắm thầy thối ma “càng sửa, càng sai; càng sai lại càng sửa”. Cứ như thế dân bị quay tít mù chẳng biết đâu mà mò. Thôi thì ngực to hay bé, ngực gù hay vẹo cũng cứ lái xe rồi tới đâu thì tới.
Các anh Cảnh Sát Giao Thông (CSGT) có quyền “kiểm tra” mới phạt được. Mấy bà mấy cô đành “sẵn sàng cởi áo” thôi chứ phản đối là “chống lại người thi hành công vụ”, có mà đi tù như chơi!

Còn một quy định khác ảnh hưởng tới số đông người thành phố:

Quy định cấm bán bia vỉa hè

Ngay khi dự thảo nghị định trên được công bố để lấy ý kiến người dân, dư luận đã phản ứng khá gay gắt với những điều khoản được cho là “trên mây”. Trong đó, gây tranh luận, phản ứng và chỉ trích nhiều nhất là các điều khoản quy định cấm bán bia trên vỉa hè; quy định này ghi rõ: cấm bán bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu và cấm bán bia cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
 
                                    
                                                               Bán bia trên vỉa hè tràn ngập khắp nơi

Một người dân bình thường còn thấy ngay sự ngớ ngẩn, đặc biệt là không thể thực hiện được các điều khoản vậy mà các nhà soạn thảo thảo vẫn cứ thản nhiên đưa vào.

Gần đây nhất cũng có một số quy định vừa đưa ra bị phản đối rồi phải bỏ. Như quy định Phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn; xử phạt xe hơi dưới 9 chỗ không có bình cứu hỏa; cấm quay phim, chụp ảnh CSGT; Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) vào cuộc kiểm tra và kết luận văn bản này có nhiều điểm không đúng quy định của pháp luật và vượt quá thẩm quyền. Bị Bộ Tư Pháp "tuýt còi", Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt đã huỷ quy định này.

Vậy mà luật pháp vẫn liên tục cho ra đời những quy định phi thực tế, bất khả thi.
Ví dụ:

- Nghị định số 45/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định hành vi hút thuốc lá nơi công cộng bị phạt từ 50.000 đến 100.000 đồng.

- Nghị định 167/2013/NĐ-CP về chống bạo lực gia đình quy định chồng chửi vợ hoặc vợ chửi chồng có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; đối xử tồi tệ với thành viên gia đình, bắt ăn đói mặc rách... có thể bị phạt tới 2 triệu đồng.

Đã nhiều năm áp dụng, chưa ai hút thuốc nơi công cộng hay mắng vợ chửi chồng bị phạt cả! Và gây tranh cãi là điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2016) đề nghị truy tố người ngoại tình. Theo hầu hết các luật sư, đây là điều luật “vui là chính”! Và còn hàng loạt quy định được ra đời từ phòng máy lạnh như thế đang nằm im ỉm trong các tủ sách pháp luật.

Đó chỉ là vài cái quyết định lẩm cẩm tưởng rằng qua đi rồi thôi. Nhưng thực ra đó chính là những mầm mống phát sinh ra những quyết định sai lầm lớn hơn, tai hại hơn. Thế nên mới có chuyện cho ông Huỳnh Thành, Đại biểu QH tỉnh Gia Lai cho rằng, Thủy điện An Khê - Ka Nak là “công trình sai lầm thế kỷ”.

Công trình thủy điện lạ lùng nhất trên thế giới

Kể từ lúc Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak đi vào hoạt động, hàng trăm gia đình dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định rơi vào cảnh khốn đốn vì mất đất vào mùa mưa, thiếu nước tưới vào mùa khô. Có quá nhiều dư luận về sự thiệt hại khổng lồ này, tôi chỉ nêu những thiệt hại đáng kể nhất.

                                    
                                            Sông Ba từ một dòng sông lớn, giờ đây đã trở thành... đồng cỏ                                    
                                                       
Không chỉ làm cuộc sống hàng chục vạn gia đình dân hạ lưu sông Ba thuộc 2 tỉnh Gia Lai, Phú Yên bị đảo lộn, từ nhiều năm qua, việc lấy nước sông Ba trả về sông Côn của Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak còn khiến nhiều người dân Bình Định điêu đứng.

Thủy điện “nuốt” đất

Năm năm trước, dọc 2 bên bờ suối Cát (đoạn chảy qua thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang và thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) là những ruộng bắp, đậu xum xuê thì nay bị bỏ hoang, khô cằn. Hai bờ suối bị xâm thực, khoét sâu, tạo thành những bức tường dựng đứng, cao 4-5 m.

                                     
                                                                   Nhiều cánh đồng nứt nẻ do hạn hán

Theo người dân địa phương, trước đây, lòng suối Cát chỉ khoảng 15-20 m. Thế nhưng, từ năm 2011, khi Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak bắt đầu xả nước, suối Cát cứ thế “ngoạm” dần vào đất hoa màu, nhiều đoạn bị phá rộng đến 100 m.

                                    
                                         Nhiều khu vực đồi núi thuộc tỉnh Gia Lai trọc lóc, không có cỏ cây

Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak xả nước với lưu lượng lớn vào suối Cát nhưng không làm kè chắn đã gây sạt lở nghiêm trọng, làm người dân mất đất sản xuất.

Ông Ngô Tốt, Chủ tịch UBND xã Tây Giang, xác nhận chính việc Mùa khô năm nay, trong lúc người dân khổ sở vì nước cạn kiệt thì nhà máy cắt nước khiến suối Cát trơ đáy. Hậu quả, gần 150 ha lúa vụ đông xuân của hàng trăm gia đình dân huyện Tây Sơn đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông có nguy cơ mất trắng.

                                    
                                            Những cánh đồng nứt nẻ, lúa khô héo để bò ăn ở Tây Nguyên

Còn tại thị xã Ayun Pa (Gia Lai) đến rơm rạ cũng không có để cho bò ăn. Người dân phải tìm mua để cứu đàn bò khi hết cỏ. Chị Rơ Chăm Huyên cho biết cứ hơn một tuần phải mua một xe rơm giá gần 2,5 triệu đồng cho 7 con bò.

Từng bị lũ “chôn sống”

Công trình “sai lầm thế kỷ” đã gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí là thảm họa cho người dân.
Điển hình, ngày 15-11-2013, nước từ trên núi An Khê đổ xuống, cuốn trôi đất cát đổ ập xuống Nhà máy Thủy điện An Khê. Bùn cát theo nước lũ đổ tràn từ bên ngoài vào trong nhà máy gây ngập cả 2 tổ máy đặt dưới tầng 1. Tai nạn này khiến nhà máy ngưng vận hành trong hơn 1 tháng, “chia nước” xuống sông Côn với lưu lượng lớn tràn ra sông Ba, làm ngập, sập nhiều nhà dân và hàng trăm hecta hoa màu, “chôn sống” nhiều nhà dân.
Lần đầu tiên trong lịch sử, thị xã An Khê phải hứng chịu một trận lũ lịch sử.
Điển hình, vào ngày 25/5/2011, Nhà máy thủy điện An Khê- Kanak đã bất ngờ xả nước khiến 50 ha hoa màu của người dân bị ngập úng, 10 con bò bị nước cuốn trôi, 62 máy nổ, máy bơm nước của các gia đình dân ở huyện Kbang bị cuốn trôi… Thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng nhưng các gia đình dân chỉ được đền bù 4,5 tỷ đồng.

Chủ tịch “Công trình sai lầm thế kỷ” được nguyên Chủ tịch tỉnh “lén” ký đồng ý

Theo báo Dân Trí, dẫn lời ông Huỳnh Thành, ĐBQH tỉnh Gia Lai tố cáo: “Trước đây, khi xây dựng nhà máy đã xin ý kiến Thường vụ tỉnh ủy nhưng không được thường vụ nhất trí, lúc đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nói các nhà khoa học nói hợp lý nên đồng chí ấy đã ký đồng ý cho xây dựng nhà máy. Và sau này mới biết đồng chí ấy đã ký và đồng chí ấy đã nói như vậy. Và mặc dù có nhiều ý kiến phản đối của các cơ quan ban ngành tỉnh, nhưng người ta vẫn xây nhà máy vì có văn bản ký đồng ý của Chủ tịch nhưng không thông qua Thường vụ”.

Nói rõ hơn là ông chủ tịch tỉnh đã lén lút ký cho phép xây nhà máy thủy điện này. Tại sao ông chủ tịch tỉnh phải lén lút ký vội vàng như thế mà không nghe bất kỳ sự đánh giá nào của các nhà khoa học cũng như của những “đồng chí” cùng làm việc với mình? Tất nhiên phải có một sự bất minh nào ở đây.
Không cần nói rõ mọi người đều thừa biết rằng sự sai lầm thế kỷ này nó được xây dựng chỉ vì cái túi  tiền của anh nhà thầu to quá. Điều này vẫn chưa được làm sáng tỏ trong khi sự phẫn nộ của người dân VN ở khắp nơi đang lên án mạnh mẽ.

Như ông đại biểu Thành đã nói trước Quốc Hội: “Việc xây dựng Thủy điện An Khê – Ka Nak đã chuyển hướng một dòng sông lớn đang nuôi sống hàng triệu dân như vậy trên thế giới không bao giờ có”.

Vậy là quan đầu tỉnh VN hơn hẳn thế giới về cái sự mờ mắt làm hại cả một vùng dân cư rộng lớn này. Bán cả cái văn phòng tỉnh ấy đi cũng không đủ tiền đền bù cho dân. Kết quả là anh dân đen đành chịu cho quan đầu tỉnh hành hạ chứ không phải vì thiên tai bão lụt.

Cái nạn các quan lớn đã ít học lại nhắm mắt làm liều thành thứ bệnh còn đáng sợ hơn cả thiên tai bão lụt.
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Trang bài viết của Nhà văn Văn Quang
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen