Donnerstag, 31. März 2016

CỘNG SẢN VIỆT NAM CỐ NHẬP NHẰNG KHÁI NIỆM THỂ CHẾ VÀ CƠ CHẾ

  Đại-Dương
Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Đông Nam Á đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi nền kinh tế có giá trị thấp lên cao hơn để hy vọng thoát khỏi “chiếc bẫy thu nhập trung bình” (1,000-12,000 USD).
Kể từ năm 1960 đến nay chỉ có 13 quốc gia trên thế giới thoát khỏi và trở nên giàu có, kể cả Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn, Tân Gia Ba.
Lợi tức bình quân đầu người Việt Nam được 1,000 USD từ năm 2008, tức lọt vào nhóm có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cảnh cáo Việt Nam đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Ohno có 20 năm nghiên cứu về Việt Nam đã trả lời báo Tuổi trẻ ngày 14-04-2014 “Trung Quốc, Mã Lai Á, Việt Nam có nguy cơ sụp bẫy thu nhập trung bình. Mã Lai Á có chính sách tốt, doanh nghiệp không hiệu quả. Trung Quốc có doanh nghiệp tư nhân năng động bị lực cản tham nhũng, ô nhiễm, bất bình đẳng xã hội. Việt Nam có tất cả”.
Vị giáo sư này khuyên “giới lãnh đạo phải thay đổi cách suy nghĩ, và thay đổi phương pháp làm chính sách”. Việt Nam không nên đòi có công nghiệp cao ngay mà nên đi từ công nghiệp thích hợp với mình, học hỏi công nghệ nước khác, liên kết mà tiến dần lên”.
Giáo sư Ohno khuyến cáo các mục tiêu “Đẩy giá trị gia tăng 20% lên 30%. Tạo thặng dư mậu dịch 5-10 tỉ USD thay vì 12 tỉ thâm hụt. Ít nhất có 1 sản phẩm chế tạo phẩm chất cao đứng đầu toàn cầu”.
Tới năm 2016, Việt Nam vẫn không đạt được bất cứ mục tiêu nào.
Thuỵ Sĩ đã chi 126,000 USD viện trợ không hoàn lại trong chương trình hợp tác phát triển cho Việt Nam giai đoạn 2013-2016. Cốt lõi chương trình này dựa vào kinh nghiệm thành công của Thuỵ Sĩ “Doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế thành công, nếu tàn úa thì toàn bộ nền kinh tế phải u ám. Hãy tìm thị trường ngách (niche markets) phù hợp với năng lực người Việt Nam để tạo giá trị gia tăng thay vì húc vào thế mạnh của các nước khác”.
Hợp tác có, kết quả không. Bởi vì Hiến pháp Cộng hoà Xã hội Việt Nam năm 2013 quy định “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa … kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Tuy Việt Nam được giới chuyên gia và các định chế quốc tế cảnh cáo nguy cơ rơi vào chiếc bẫy sập thu nhập trung bình, nhưng, đảng Cộng sản chưa hành động quyết liệt.
Các chuyên gia quốc tế và Việt Nam trong cuộc hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN" nhấn mạnh đến biện pháp cải cách thể chế mới đưa đất nước vượt qua chiếc bẫy trung bình.
Nhưng, tân Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Vương Đình Huệ đã hiểu thị “Nhiệm vụ hoàn thiện và thực thi các cơ chế, chính sách tạo cơ sở cho hoạt động kinh doanh bằng nỗ lực của Nhà nước, áp lực hội nhập, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển kinh tế”.
Điều này đã được thảo luận, phân tích trong nhiều năm mà vẫn không làm được do thể chế Cộng hoà Xã hội chủ Việt Nam không tương thích với luật pháp quốc tế và kinh tế thị trường tự do nên nảy sinh vô vàn căn bệnh trầm kha, không thấy dấu hiệu suy giảm.
Việt Nam chưa có Tối cao Pháp viện để tuyên phán tính chất hợp hiến của từng văn bản luật hoặc hành vi của viên chức Nhà nước nên hệ thống luật pháp rối như tơ vò làm thành luật rừng.
Do đó, Quốc hội đóng vai trò giám sát việc thi hành Hiến pháp thông qua kiểm soát việc soạn thảo các đạo luật.
Tuy nhiên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết “Hiến pháp 2013 quy định quyền công dân, quyền con người có 3 điểm mà khi làm luật chỉ còn 2. Việc soạn thảo luật giao cho Hành pháp nên chỉ mưu cầu thuận lợi cho Hành pháp và quản lý hành chính, bất cần quyền lợi của đối tượng. Thậm chí, Quốc hội đã thảo luận và đồng ý, nhưng, khi đưa ra “bấm nút” thì nội dung, ý tứ của văn bản bị thay đổi.
Đại biểu Dương Trung Quốc than phiền “đại biểu không cần bấm nút hoặc nhờ làm thay nên cử tri không biết chính kiến để chọn cho đúng trong kỳ bầu cử kế tiếp. Mặc dù đã chất vấn trước Quốc hội và gửi lên Uỷ ban Thường vụ mà chẳng được trả lời”.
Khoảng 90% đại biểu quốc hội thuộc loại cán bộ giữ chức vụ cao trong xã hội, số còn lại “có quan hệ thân tín hoặc được ưu đãi ngầm” nên cứ “đảng cử, dân bầu” thì dân biết chính kiến để làm chi!
Bởi thế, dân chúng mới đặt tên nghị gật, nghị vổ tay, nghị ngậm miệng ăn tiền. Quốc Hội chỉ có nhiệm vụ đóng mộc cho các quyết định của Bộ Chính trị.
Ký xong Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, dư luận quốc nội như đang lên đồng, cứ tưởng sẽ “may túi 3 gang” để đựng tiền từ trên trời rơi xuống. Hơn nữa, còn nhanh chóng qua mặt cả những con rồng, con hổ Á Châu bởi vì Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có vô số “đỉnh cao trí tuệ loài người” nên cần chi phải nghe ai!
Hôm 28-03-2016, Đại biểu Võ Thị Dung nêu 7 nỗi lo lớn của dân tộc về cả ngoại xâm lẫn nội xâm “Việt Nam kiên trì đấu tranh hoà bình trong khi Trung Quốc chiếm đảo, lấn biển. Quốc nạn tham nhũng ăn sâu vào tiềm thức người dân. Lãng phí ngấm vào máu của quan chức. Đạo đức giả bao trùm xã hội. Kinh tế tụt hậu nên chưa giàu đã già. Nợ công vượt quá GDP mà Nhà nước nói chỉ chạm ngưỡng. Xã hội thiếu văn hoá. Thiếu kỷ luật, kỷ cương”. Nhưng, Đại biểu Dung vẫn tiếp “Nhân dân mong ước bộ máy của Đảng và Nhà nước thật sự tận tâm, liêm chính”.
Tới năm 2016, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn vùi đầu vào đống cát để bảo vệ tư tưởng mê muội và cực đoan nên khó đưa dân tộc đồng hành cùng nhân loại văn minh.
Lời khuyên chính xác và chuyên nghiệp của giới chuyên gia quốc tế am tường tình hình Việt Nam như gió thoảng qua tai những đỉnh cao trí tuệ loài người nên dân tộc phải gánh thảm hoạ nối tiếp thảm hoạ.

Đại-Dương
Mar 31, 2016
 Tài liệu tham khảo:
Muốn thành đại gia, phải được "ưu đãi ngầm, quan hệ thân tín" (Infonet)
Chạy ai, ai chạy? (GDVN)
Đã muốn dân chủ, công khai, sao lại nửa kín nửa hở? (GDVN)
7 nỗi lo lớn của dân tộc, lo cả ngoại xâm và nội xâm (GDVN)
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen