Sonntag, 18. Oktober 2015

Từ Bài Thơ Của Ông Già Mất Rau

Lý Thái Xuân
17-Oct-2015
Bản tin về một ông già mất rau viết Tối Hậu Thư cho Cô Láng Giềng đăng hôm nay (ngày 17 tháng 10, 2015) không chỉ là một chuyện lạ, chuyện vui, mà còn là một bài học lớn: bài học về văn hóa, tình láng giềng, nếp sống văn minh, và sau cùng là bài học yêu nước.
Yêu nước không chỉ có thể là một ông tướng cầm quân đánh giặc, không chỉ có thể là một chính khách lão luyện ngoại giao tài tình, tranh đấu trên bàn hội nghị quốc tế, cũng không chỉ có thể là một anh chiến sĩ dũng cảm ngoài trận địa, mà có thể là những nông dân, những ông lái đò, những nàng dệt lụa, những nông dân chất phác, hay những cô hàng chè tươi, khi gặp tình huống cũng có thể thi thố tài năng và tự ái dân tộc.
Hôm nay, bài thơ "mất rau" lá thư đơn giản của một lão nông dân, nhưng có trình độ giáo dục, và ứng xử nho nhã, thanh lịch nhắc chúng tôi những giai thoại ứng xử của tiền nhân đối với cường quốc. Có phải chăng ông có nếp sống văn minh hơn hẳn nhiều người khác, kể cả nhiều người trong giới học thức, quan chức hay khoa bảng.

bài thơ mất rau  
Trước tiên, người viết không biết dịch ra tiếng Mandarin, nhưng ước ao được Bộ Văn Hóa /Giáo Dục/ hay Ngoại Giao gửi bài thơ này tặng chính quyền Trung Quốc. Có lẽ nên giữ nguyên văn, nguyên ý của bài thơ như thế. Ao ước này nếu được thực hiện sẽ là một niềm hạnh phúc của người dân đang sống trong giai đoạn bị người láng giềng khổng lồ hiếp đáp.
Chúng ta đã từng nghe những giai thoại rất hấp dẫn về những chuyện đi sứ hay đón sứ, từ các quan trạng thông minh (như Mạc Đỉnh Chi của ba đời nhà Trần, Lương Thế Vinh đời Vua Lê Thánh Tông, Giang Văn Minh đời Vua Lê Thần Tông,...) đến Trạng Quỳnh và Bà Điểm hóa thân thành những lão chèo đò và cô gái bán quán thâm nho khiến cho các sứ thần Trung Hoa phải bội phục.
Ngày nay, trước sự kiện các đảo ngoài Biển Đông của ta bị Trung Quốc lấn chiếm, bài thơ "Nên Sống Tử Tế" của lão mất rau không khác chi một lời nhắn chính trị, tầm cỡ quốc gia. Trong văn chương, cô gái "chửi mất gà" ngày xưa (xem phụ đính số 2) có cái duyên độc đáo của nó. Nhưng cao tay hơn, có lẽ là ông lão mất rau ngày nay. Xin xem bài đánh máy của trang http://soha.vn/ ở phần Phụ Đính.
 
Trung Quốc xây dựng trên bãi đá ngầm ở Trường Sa, vùng đang tranh chấp.
Thử đối chiếu với tình thế "mất đảo" của ta, bài thơ thật là thích đáng: Mất rau / mất đảo! Người viết xin được làm học trò của ông lão nông dân, và xin phép "thầy" nhại lại bài thơ "mất đảo, tối hậu thư":

Nên sống tử tế
Hỡi các anh chàng "nam tử Hán"
Hoàng, Trường Sa có chủ hẳn hoi!
Chứa bao công sức mồ hôi.
Phải đâu rơi giữa biển trời mà ghen.
Các anh nhìn cũng quen-quen. 
Nỡ nào làm chuyện đê hèn khó coi?
Mỗi hòn đảo là bao bát mồ hôi
Của em lận đận đứng ngồi lom khom
Em cần câu cá biển Đông
Cạnh nhà để đủ nuôi dòng Lạc Long
Đảo kia tuy bé cỏn con
Anh làm như vậy liệu còn chữ "tâm"
Có ăn có học mà nhầm
Bản tính trộm cướp ẩn trong tâm chàng:
Đem tàu xây cất dọc ngang
Người đi ăn trộm mà sang cái gì?
Anh ơi! Bỏ tính ấy đi
Sống cho trong sạch, hay gì "quẩn quanh"?
Tự hào với chị, với anh
Với con, với cháu của mình làm sao?
Thụ hưởng trên sự cướp giật của người láng giềng là một hành động vô liêm sỉ, hèn hạ đê tiện đừng để người đời phỉ nhổ nhé, tanh tưởi bẩn thỉu lắm đấy!
Chú em láng giềng cần cù ra biển đánh cá đây!

 Một người nông dân trồng rau để sống. So với những kẻ lọc lừa để làm giàu: Ai sang, ai hèn? Ai văn minh, ai lạc hậu? Ai có phẩm giá và ai hạ lưu? Xem lại tư cách của chính mình, có bằng ông lão trồng rau hay chưa.
 tàu cá bị nạn 18-4
Tàu cá QNg 96011 cập đảo Lý Sơn sau khi bị nạn sáng 18-4.
Lực lượng biên phòng lên tàu cá xác minh sự việc

Lý Thái Xuân

Phụ Đính:
Nguyên văn bài thơ của cụ già tưới rau:
Nên sống tử tế
Hỡi những nàng con quan thứ sử (*)
Luống rau này có chủ hẳn hoi
Chứa bao công sức mồ hôi
Phải đâu cỏ mọc giữa trời mà ghen
Các nàng nhìn cũng quen-quen
Lỡ nào làm chuyện đê hèn khó coi
Mỗi ngọn rau là bát mồ hôi
Cụ già lận đận đứng ngồi lom kh
Cụ mong có chút rau ngon
Cụ mong có chút rau ngon
Ăn để đỡ bị hao mòn lỗ chôn
Mớ rau tuy bé cỏn con
Nàng làm như vậy liệu còn chữ tâm
Có ăn có học mà nhầm
Tính ăn trộm vặt ẩn trong tâm nàng
Đem dao cắt vội cắt vàng
Người đi ăn trộm còn sang cái gì
Nàng ơi! Bỏ tính ấy đi
Sống cho trong sạch, hay gì quẩn quanh
Tự hào với chị, với anh
Với con, với cháu của mình hay sao?
Thụ hưởng trên mồ hôi công sức của người lao động là một hành động vô liêm sỉ, hèn hạ đê tiện đừng để người đời phỉ nhổ nhé, tanh tưởi bẩn thỉu lắm đấy!
Cụ già lọm khọm tưới rau đây!
_____________________
(*): là một chức quan trong thời kỳ cổ đại của lịch sử Trung Quốc và lịch sử Việt Nam, đứng đầu đơn vị hành chính "châu", huyện.

“Làng trên xóm dưới, bên ngược bên xuôi, tôi có con gà mái vàng. Sáng nay tôi còn cho nó ăn, thế mà bây giờ nó bị mất ! Ai bắt được thì cho tôi xin, nếu không trả thì tôi chửi cho mà nghe đấy… ấy… ấy !
Bố cái thằng chết đâm, cha cái con chết xỉa ! Mày day tay mặt, mày đặt tay trái, nỡ ăn cắp của bà đây con gà. Này bà bảo cho chúng mày biết: Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn… Con gà nó ở nhà bà là con gà. Nó bị bắt trộm về nhà mày thì thành con cú, con cáo, con thành đanh mỏ đỏ, nó sẽ mổ mắt, xé xác ông, bà, cha, mẹ, vợ , chồng, con cái nhà mày đấy… ây… ấy !
Mày mà ăn thì con gà nhà bà thì ăn một miếng chết một đứa, ăn hai miếng chết hai đứa, ăn ba miếng chết ba đứa, và ăn cả con gà đó sẽ chết cả nhà cả ổ nhà mày.
Cha tiên nhân ông nội, ông ngoại, ông dại, ông khôn, đồng môn chi rễ nhà mày nhá! Mày gian tham đã ăn trộm ăn cắp con gà mái nhà bà. Rồi ra, nhà chúng mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, đẻ sót nhau. Chết mau, chết sớm ! Chết trẻ, đẻ ngang nhá.
Bốn thằng cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ba thằng cầm cờ đỏ đứng đầu làng, đưa đám tang cả nhà mày ra đồng làng chôn đấy. Mày có khôn hồn, mang trả ngay con gà đó cho bà, kẻo không bà đào mồ, quật mả cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ, thúc, bá, đệ, huynh, cô, dì, tỷ, muội nhà mày đấy.
Hôm nay bà chửi một bài, ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền. Bà chửi cho mày hóa điên, bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng. Bây giờ bà mệt quá chừng, bà về cơm nước, nhớ đừng quên a… Muốn sống thì thả gà ra, lạy bà hai lạy, bà tha cho mày”

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen