Sonntag, 13. September 2015

Tìm trong cát NHA TRANG


letamanh
Có lẽ những người sanh ra và lớn lên ở nơi nào đó trong lòng phố Nha Trang, thì họ sẽ thấy từ quang cảnh, biển đảo đến con người nơi nầy, đều… thường thôi! Nhưng nếu có một khách lạ tài hoa tình cờ ngang qua, họ sẽ thích thú, nâng niu, nhìn ngắm hay thậm chí còn sáng tác những dòng thơ tuyệt diệu, những bản tình ca bất hủ ca tụng những rung cảm, những đam mê của họ, về một thắng cảnh độc đáo có một không hai: Nha Trang!
“…Nha Trang là miền quê hương cát trắng, có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa…” lời nhạc Minh Kỳ
Nhưng khi những người con Nha Trang lưu lạc xứ người, thỉnh thoảng gặp nhau thì lại khác: Da diết nhớ biển ấm, nhớ những hòn đảo xa xa ngoài vịnh, nhớ Cầu Đá, nhớ Xóm Bóng, nhớ Tháp Bà, nhớ ngôi trường từng mài đủng quần niên thiếu, nhớ những mối tình thơ dại đầu đời và những hẹn hò bên bải biển… Nhớ những cảm giác vô hình trước kia, khi họ còn ở quê hương, chẳng bao giờ trân quý!
Kỷ niệm nào trải mộng ngày qua,
Ướp ước mơ dưới rặng dương già.
Tay cắp sách nhìn em vuốt tóc,
Ngắm mắt nhau tình vội thoáng qua…! 
Tôi không phải là dân Nha Trang, không có hân hạnh được ôm Nha Trang trong giấc mơ về những kỷ niệm tuổi thơ. Tôi chỉ là một du khách tình cờ ở tuổi vừa đậu xong Trung Học Đệ Nhất Cấp. Tôi đến Nha Trang trên một chiếc xe hàng chở đầy giây dừa và dầu dừa; khởi hành từ Tam Quan, quê tôi, đi Sài gòn. Xe “Ba lua” cao lêu nghêu đầy hàng hóa, chừa một cái lổ vừa đủ cho tôi ngồi, trong hóc cao, phía trên đầu tài xế. Chiếc xe chia làm hai phần, phần đầu máy và phần thùng xe chở hàng. Phần đầu máy là chổ tài xế và hai người hộ tống theo xe ngồi. Tôi được “gởi gấm” qúa giang, nên họ chừa một cái lổ trống cho tôi ngồi phía trước thùng xe chở giây dừa, cao ngất nghểu, nhưng rất thích hợp cho một nhãi ranh thích ngắm cảnh…
Tôi chẳng thích thú gì những cảnh vật quen mắt của quê hương tôi, vừa nhàm chán vừa đơn điệu. (Đây cũng là một trong những ý tưởng hồ đồ tuổi trẻ mà sau nầy, khi vĩnh viễn rời xa, tôi mới thấy ân hận và nhớ nơi mình sinh ra cùng những kỷ niệm tuổi thơ vô cùng da diết!) Xe hàng chạy trên quốc lộ Số 1, đường xấu và lắc lư. Thời những năm 1960, đường  Quốc Lộ vẫn còn rất hẹp, cầu Tuy Hòa qua lại một chiều, đèo Rù Rì cũng thế… Nhưng tôi thì mở rộng cả lòng đón những cảm giác thích thú chưa từng có khi ngắm nhìn…  Đèo Cả, Đại Lảnh, Tu Bông, Vạn Giả, Ninh Hòa… Rồi chết mê chết mệt  với Duy Tân, Độc Lập, Hoàng Tử Cảnh… Tháp Bà, Xóm Bóng, Xóm Cồn, Cầu Đá, Hòn Chồng…! Cầu Xóm Bóng và cầu Hà Ra hồi đó xe qua lại cũng một chiều, nhưng sao tuyệt vời lảng mạng và hấp dẫn quá sức!
Từ một “du khách nhóc tì” trờ thành “cư dân Nha Trang” cũng là một đưa đẩy tình cờ. Số là, cha tôi có một người bạn làm việc cho Hảng Xăng Con Sò (Shell) trên Phú Vinh, giữa đường Nha Trang – Thành. Nhà ông ta ở đường Hoàng Tử Cảnh, khúc gần ngã tư Hai Chùa. Tôi đến Nha Trang với một bức thư viết tay và nhờ nó, tôi ăn ở nhà người bạn của cha tôi một tuần lễ “du lịch” Nha Trang chẳng tốn tiền… Du lịch Nha Trang bằng phương tiện “chùa”, ăn ở “chùa”. Số tiền ít ỏi bọc trong túi lúc ra đi, má tôi nhét vào túi vẫn còn y. Chai dầu Nhị Thiên Đường bà nội tôi cho để phòng khi “trái gió trở trời” vẫn chưa khui giấy bọc.
Thế là, chỉ một tuần lễ “cởi ngựa xem hoa” thành phố “Thiên Đường tuổi trẻ” là tôi chết mê chết mệt. Tôi yêu bất cứ chổ nào trong thành phố, ngoài bải biển, từng hòn đảo ngoài khơi, những ngọn đèn đêm ghe chài nhấp nháy rãi đầy xa tầm mắt, qua tiếng sóng thì thầm, hàng dương trước Đại Khách Sạn vỗ về giấc mơ dạt dào và kỳ lạ trong hồn…
Sóng vỗ hồn bay theo cánh chim,
Ngập trời áo tắm nắng lan tìm.
Dạ tràng len cát đời cô lẻ,
Dõi bóng tìm ai lạc đường tim!
Quê hương tuổi thơ của tôi đầy chiến tranh, bom đạn, chết chóc và những kỷ niệm năm tháng “tiêu khổ kháng chiến” vùng Liên Khu 5  với những ngày  khoai mì và cơm dừa là món ăn chính. Tôi đã sống èo ọt trong những năm tiểu học, với chiếc khăn quàng đỏ “Cháu Ngoan Bác Hồ”. Sau Hiệp Định Geneve, tôi mới có dịp được biết thế nào là ghế nhà trường và tưởng lai tuổi trẻ! Chính vì thế nên ánh sáng thành phố Nha Trang làm tôi choáng ngợp, mở ra trong mắt tôi toàn hào quang sáng lòa tương lai…
Gió xoáy bảo giông chợt lướt qua,
Cơn mê chũ nghĩa bỗng nhạt nhòa.
Thiên đường mơ ước đời mộng, thật!
Con sóng bò tìm cát giao thoa…!
Tôi làm sao quên những ngày say sưa phơi nắng trên bải cát có hình cong cong từ Xốm Cồn đến Cầu Đá, Đồng Đế, Vĩnh Xương, Phú Vinh, Thành, Cửa Bé  với những trại ngày, trại đêm Tráng Đoàn Hướng Đạo. Những cuộc thám du bằng ghe qua những hòn đảo ngoài khơi với vùng san hô và đàn cá đủ màu, thiên đường dưới nước! Làm sao quên ngôi trường thân yêu trên đường Bá Đa Lộc mang tên Vỏ Tánh và cũng làm sao quên áo dài bay bay, những đợi chờ bên kia cổng Nữ Trung Học!
Thoải mái bơi, ngắm đàn tiên cá,
Màu san hô đón nắng thủy tinh.
Thiên nhiên khoe sắc hữu tình,
Ta du viễn mộng tưởng mình cỏi tiên!
Trên đỉnh hòn đảo lớn về phía Đông, có ngọn Hải Đăng. Tôi và Tráng Đoàn Hướng Đạo có dịp tò mò trèo lên gỏ cửa. “Chủ nhân” là một  Hải Quân già đã về hưu, gắn bó với trời mây non nước, xa vắng chợ đời! Ông đem theo nheo nhóc một “gia đình” gồm bà vợ già, con chó vàng, bầy gà… A! Hình như có một chuồng bồ câu nữa. Ông cười nhìn những “người đất liền’ tâm sự:
-         Vợ chồng tôi chỉ thiếu tiếng xe hơi, tiếng cải lộn, tiếng chữi thề; thiếu phở… còn thịt gà, thịt bồ câu, cá tôm thì không thiếu!
-         Thưa Bác, Hai ông bà sống như thế nầy có buồn cô đơn không?
-         Quen rồi, Bà nhà tôi không đòi hỏi gì. Mình sống thảnh thơi ngay trong tâm thanh tịnh. Các cô cậu còn trẻ, nếu ở dây chừng một ngày đã thấy ngán, chán đời. Nhưng già rồi, không còn muốn tranh đua nơi đô hội thì mới “tu” ở đây được…
Ông dẫn chúng tôi trèo lên tháp có ngọn đèn pha. Từ chân tháp bước vào cánh cửa sắt an toàn và bắt đầu trèo lên những bậc thang vòng cung. Tháp xây theo hình ống, dưới lớn trên nhỏ dần. Cuối cùng là một phòng rộng, chính giữa có bệ xoay vòng. Hồi những năm 1960, ngọn đèn “bảo” được thắp lên bằng dầu chính giữa, kính hội tụ dày to xoay quanh ngọn đèn bởi một hệ thống cơ học. Thời đó chưa có điện, thế mà ánh sáng “hải đăng” hàng đêm quét vòng một luồng ánh sáng xa hàng mấy hải lý. Tàu ghe ngang qua lại đều nhờ ngọn hải đăng dẫn lối, biết được đâu là bến bờ…
Ông già còn hướng dẫn chúng tôi xem một hồ chứa nước vĩ đại xây dính theo cơ sở và nhà ở. Cao trên sườn đảo cheo leo dốc đứng, nước ngọt được tích trử bằng những ống xối bốn phía mái nhà xây gạch. Nước mưa quanh năm suốt tháng được dẫn vào hồ chứa lớn nầy. Nước ngọt trên ốc đảo vừa quý vừa ngọt lòng người!
Người xa người để phục vụ người,
Ta xa em ước mộng càng tươi,
Chấp thức chỉ ý đời bỏ ngỏ,
Sóng lòng nhau xa những hương đời
Hồi đó, tôi chưa có thể tưởng tượng nổi, nếu mình là một Hải Quân, mình có chấp nhận ngồi bó gối cạnh ngọn đèn đêm ở một hải đảo, đếm thời gian qua từng cánh nhạn, cánh én, từng lúc mặt trời lên bên Đông và khuất dần theo mù tít đất liền phía tây…! Cho nên, khi trở lại Nha Trang để thi vào Trường Hải Quân khóa 16 năm 1965, lúc bước vào cổng chính gần Cầu Đá, tôi nhớ lại cảm giác từng đứng bên ngọn hải đăng trên Đảo Lớn ngoài Vịnh. Bổng nhiên tôi quay bước trước sự ngac nhiên của mấy thằng bạn cũng từ Sài Gòn ra Nha Trang thi vào Binh Chủng Hải Quân! Sau nầy bị động viên vào Bộ Binh, tôi mới có dịp suy ra rằng: Số tôi không thể nào mặc quân phục màu trắng của binh chủng oai hùng, vẫy vùng trên sóng nước đại dương, mà chỉ là một chàng bộ binh tầm thường với một gia đình bình thường trên đất liền mà thôi!
Nghiệp đời anh chỉ yêu em,
Nghiệp mình sợ lắm môi mềm tinh anh.
Chờ nhau về cỏi xuân xanh,
Tìm hoài trong cát xe thành hương yêu!
 
California, tháng 7 năm 2013
letamanh

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen