Freitag, 14. August 2015

Rường cột nước nhà

Sổ Tay Ký Thiệt Kỳ 54
 
(Nguồn: Tuần báo Đời Nay Washington ngày 14.8.2015)
Rường cột nước nhà
 
Thanh niên là “rường cột quốc gia”, kẻ cai trị nào cũng biết như vậy, nhất là những kẻ cai trị độc tài như Hitler, Lênin, Stalin, Mao, Hồ, Castro, Kim Yung Ủn, vân vân …
Dưới các chế độ độc tài, giới trẻ bị nhồi sọ và bị khai thác triệt để nhằm phục vụ “lãnh tụ kính yêu” và phe nhóm nắm quyền. 
                                   uong-ruou-bia-1.jpg
Việt Nam nói riêng, Hồ Chí Minh và đồng đảng đã dùng xương máu của hàng triệu thanh thiếu niên VN để dựng nên cơ đồ ngày nay. Tuổi trẻ đã bị đội ngũ hóa từ khi hỉ cút mũi chưa sạch với chiếc khăn quàng đỏ quấn cổ được gọi là “cháu ngoan bác Hồ”, lớn lên là Đoàn Thanh CS Hồ Chí Minh, Thanh Niên Xung Phong… bị đẩy đi làm đủ mọi công tác khó khăn, nguy hiểm, với khẩu hiệu “Ở đâu cần thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên”.
Hàng triệu thanh niên miền Bắc đã bị đẩy vào miền Nam để bắn giết đồng bào miền Nam và để “sinh Bắc tử Nam”. Sau khi chiếm được cả nước, “cách mạng” lại dùng thanh thiếu niên làm mũi nhọn để tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Nào là “kế hoạch nhỏ” cho các cháu đội thiếu nhi khăn quàng đỏ, nào là đánh tư sản, kiểm kê, cải tạo công thương nghiệp cho đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh, cho Thanh niên Xung Phong…
Rồi thì con đường tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa trở thành… đường đi không đến. Các đồng chí lãnh đạo đảng vô sản trở thành tư bản đỏ, đại gia đỏ ráo trọi, tiền rừng bạc bể. Các cháu chứng kiến bao nhiêu thần tượng sụp đổ trước mắt và những giáo điều cao cả chỉ là láo khoét, rơi rụng lả tả…
Và, tuổi trẻ Việt Nam làm gì bây giờ? “Nhậu”. Nhậu ngày nhậu đêm. Đâu đâu cũng nhậu. Trai nhậu, gái cũng nhậu.
Một người ở trong nước (Ngọc Bảo) vừa viết một bài tả cái hoạt cảnh nhậu tại Việt Nam ngày nay dưới  tựa đề “Văn hóa nhậu nhẹt” – Sự quái gở của người Việt”,  xin trích đoạn như sau:
Đàn ông các nước công nghiệp, không ai rỗi hơi nát rượu tối này sang tối khác với bạn bè. Người ta không dám vứt thì giờ và tiền bạc cho các độ nhậu triền miên vì sợ ngày mai dậy không nổi, mất năng suất, mất óc sáng tạo dễ có ngày thất nghiệp…

“Tôi đến TP HCM bất kể giờ tan sở hay trước khi tan sở cũng thấy trong những quán cafe, quán nhậu, quán cóc, nhà hàng đều đầy ắp đàn ông ngồi túm 5 tụm 3 uống bia”, Alex (người Úc) phản ánh và nhận xét “đàn ông Việt Nam lười quá”.
Là một doanh nhân và thường xuyên sang Việt Nam công tác, Alex cho biết đây không phải lần đầu mà hầu như lần nào đến TP HCM ông cũng thấy cảnh những người đàn ông bù khú nhậu nhẹt với nhau, bất kể là giờ nào.
Ông kể: “Có hôm nhìn đồng hồ đã 6 giờ chiều, lúc này là lúc cần ở nhà để xem có phụ giúp được gì cho vợ con không. Nếu vợ có con nhỏ thì mình nên giúp nhiều hơn, tại sao họ lại rảnh rỗi ngồi nhậu với nhau như vậy?”.
Sau gần một năm định cư ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Henry (người Pháp) kể, cho đến giờ anh vẫn chưa hiểu rõ lý do tại sao đàn ông Việt lại thích “ngồi đồng” nơi này nơi kia hơn là về tổ ấm. Hiện là giám đốc một resort có tiếng ở Long Hải, Henry cho biết, bản thân anh vì công việc nên cũng thường xuyên đi gặp đối tác ăn uống xã giao nhưng luôn ý thức vợ con đang chờ ở nhà nên cố gắng về sớm và phụ vợ một số việc lặt vặt trong nhà.
“Tôi thắc mắc thì nhiều người bảo ở Việt Nam đó là chuyện bình thường. Trong khi phụ nữ có nhiệm vụ lo cho gia đình, con cái thì người chồng chỉ lo kiếm tiền. Nhiều ông còn viện cớ đi nhậu để xã giao làm ăn đến đêm mới về, vợ mà hỏi thì bị chửi, thậm chí còn bị đánh”, Henry (37 tuổi) tròn mắt nói.
Chàng giám đốc 37 tuổi cho biết, anh có một số bạn nữ là người Việt Nam hiện đã có chồng và con. Mặc dù các cô ấy lúc nào cũng hết mực chăm lo, hy sinh cho chồng con nhưng gia đình cũng vẫn không mấy hạnh phúc.
“Tôi thấy người đàn ông nào lấy được họ thì thật là có phước vậy mà cô bạn vẫn phàn nàn chồng chẳng mấy khi có mặt ở nhà, mà có về nhà cũng chỉ lăn ra ngủ, chẳng bao giờ quét nhà hay rửa chén phụ vợ. Chẳng lẽ trong mắt họ, gia đình là của riêng phụ nữ?”, anh băn khoăn.
Sài Gòn được mệnh danh là “thành phố không ngủ”, ban ngày đường xá đông nghẹt người, nên đến đêm là lúc các quán nhậu làm ăn tấp nập nhất. “Ngồi đồng” ở quán nhậu đa phần là cánh mày râu. Chỉ cần vài con mực khô làm “mồi”, các ông có thể tha hồ “chén chú chén anh” đến khuya lắc khuya lơ mới chịu về.
Trời đã khuya mà tiếng “dô dô… trăm phần trăm” và tiếng cụng ly keng keng vẫn không ngớt ở một quán ốc trên đường D2 (Quận Bình Thạnh, TP HCM).
Bà chủ quán cho biết, quán mở cửa từ 4 giờ chiều đến 2giờ sáng hôm sau. Mỗi đêm ở đây đón tiếp khoảng 300 khách đến ăn uống. “Không chỉ riêng nhà tôi mà ở đây quán nào cũng như thế. Lâu mấy ông nhậu say ngà ngà còn bỏ ra đánh nhau, thậm chí chồng đi nhậu mà vợ đến gọi không về lại xảy ra ẩu đả”, người phụ nữ kể.
Cảnh tượng đàn ông đầy ắp các quán nước, quán nhậu sau giờ tan tầm cũng quá quen thuộc tại Hà Nội. Khoảng 4 giờ chiều 13/8, các quán bia, nhậu dọc đường Tây Sơn (Đống Đa) đã bắt đầu hút khách. Vài thanh niên choai choai đứng xuống lòng đường vẫy gọi. Trong các quán, bàn ghế đã bày la liệt. Bà chủ liên tục hối nhân viên dọn dẹp nhanh để chuẩn bị đón khách. Lúc này, dù chưa tới giờ tan tầm nhưng hơn hai chục người đàn ông sơ vin chỉnh tề đã ngồi chúc tụng nhau. Trên mỗi bàn, 5, 7 cốc bia, đĩa lạc rang, mực nướng đã vơi quá nửa.

Từ 5 giờ chiều trở đi, đàn ông đến quán càng đông hơn. Bước vào quán trên tay mỗi người đều xách một chiếc cặp, nhiều người vẫn còn đeo thẻ nhân viên. Khi có chút hơi men câu chuyện của họ càng trở nên rôm rả, họ cởi mở cả những chuyện bồ bịch, giường chiếu.

Hơn 6 giờ tối, không khí trong các quán nhậu dọc đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình) cũng trở nên cực kỳ sôi nổi. Đây là thời điểm khách hàng đổ bộ vào quán. Khu vực quảng trường Mỹ Đình cạnh đó cũng bước vào giờ làm ăn. Ngoài một số lớn là nam sinh viên thì dân công sở cũng chiếm lượng không nhỏ. Họ thường chọn một chiếc bàn, hay chiếu gọi vài cốc nước, đĩa hướng dương, hoa quả rồi tán chuyện đến tối mịt mới ra về.
Tại một chiếc chiếu trên bãi cỏ ở quãng trường Mỹ Đình, 5 người đàn ông ngoài 30 gọi một chai rượu, một con mực và cá bò nướng hàn huyên. Một anh mở đầu bằng việc công ty vừa ký được một hợp đồng cung cấp cửa kính với số lượng lớn, rằng anh sẽ được hưởng bao nhiêu hoa hồng từ dự án này. Ngay sau, anh khác lại tiếp lời bằng một nhóm thực tập sinh mới về công ty, trong đó anh nhận hướng dẫn một em khá xinh…
Câu chuyện tưởng như không có hồi kết thì đột nhiên, hai chiếc điện thoại cùng kêu. Giọng bốc đồng khi nãy tắt vụt, thay vào đó là tiếng nhỏ nhẹ “anh làm nốt việc nên về muộn”, “anh bị tắc đường, gần về đến nhà rồi”… Nghe tiếng bà vợ, một anh giật nảy vì quên không đón con… Cả đám nháo nhác rời khỏi quán.
Trên một số báo “Tuổi trẻ Chủ nhật”, tác giả Danh Gia đã đưa ra một vài nhận định nhỏ về đàn ông phương Tây, cũng là bức tranh đối lập với đàn ông Việt, như sau:

“Đàn ông các nước công nghiệp, tức các nước kinh tế thị trường nhất, đến giờ tan sở mệt nhoài vì công việc chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, ba chân bốn cẳng leo lên tàu điện, đổi dăm ba tuyến đường mới về được đến nhà phụ vợ con dọn cơm, rửa chén rồi đi ngủ sớm, đến cuối tuần cần tranh thủ sửa sang nhà cửa, chở vợ đi chợ. Xu hào đủng đỉnh lắm thì tối thứ sáu đưa vợ, đưa con đi ăn tiệm hoặc đưa vợ con đi nghỉ mát cuối tuần, chứ không ai rỗi hơi nát rượu tối này sang tối khác với bạn bè.

Không tin, nếu có dịp đi Tây, chiều tối cứ xuống các trạm xe điện ngầm ở Paris chen chúc với bốn triệu người, ta sẽ thấy rõ thế nào là nếp sống kinh tế thị trường đích thực. Chớ tưởng dân đi chơi tối giữa Paris, Luân Đôn…là người bản xứ. Trừ một thiểu số nhung lụa hoặc của ‘thế giới về đêm’, người lao động lĩnh lương trong tháng, cho dù có là giám đốc, chẳng mấy khi đến quán xá vào những tối trong tuần. (ngưng trích)
Theo một nghiên cứu và đánh giá của “Viện Chiến lược và Chính sách Y tế” (VC) thực hiện về nạn nhậu nhẹt ở Việt Nam hiện nay, 63% người nhậu bia là nam giới, trong đó trí thức lại là nhóm chiếm tỉ lệ cao nhất. Mỗi năm người Việt tiêu thụ 1,3 tỉ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu mạnh, tức là làm “bốc hơi” hàng trăm ngàn tỉ đồng “bạc cụ Hồ”. Đó là chưa kể phí tổn chữa trị các bệnh tật và tai nạn lưu thông do nhậu nhẹt mà ra.
Có thật nhậu nhẹt ở Việt Nam đã trở thành một “văn hóa” của dân ta, hay chỉ là một hiện tượng của giới trẻ phản ảnh sự chán chường với cuộc sống, sự khủng hoảng niềm tin, và sự trống vắng của tưởng?
Thật vậy, hiện tượng nhậu nhẹt ở Việt Nam ngày nay khiến nhiều người liên tưởng tới cái thú hát cô đầu và hút thuốc phiện thời Pháp thuộc, khi người dân nô lệ muốn quên cái nhục mất nước và lẩn trốn con đường bế tắc trước mặt. Và, chế độ VC ngày nay cũng như thực dân Pháp trước kia, đã dùng những “thú vui” này để thoát hơi cho những bất mãn và bất bình khỏi bùng nổ, đe dọa nền móng cai trị bất công, bất nhân, đập tan xích xiềng nô lệ.
Và, cũng như trước kia, cô đầu và thuốc phiện đã không át được tiếng súng Yên Bái, tiếng bom Phạm Hồng Thái, Hịch Cần Vương..., ngày nay những lon bia, những ly rượu mạnh cũng không bưng bít được tiếng hát Việt Khang và những lời phản kháng đang ngày một lớn hơn trong giới trẻ quê nhà, rường cột của quốc gia.
Ở ngoài nước cũng có hiện tượng tuổi trẻ dấn thân, yểm trợ tuổi trẻ trong nước đứng lên. Trong những tiếng “dzô, dzô” nơi các quán nhậu tại Việt Nam, ắt hẳn người ta đã nghe văng vẳng bên tai lời một cô gái Việt, Luật sư Trần Kiều Ngọc, dõng dạc cất lên từ nước Úc xa xôi:
“Nếu người dân không quan tâm đến chính trị, tức là phó mặc số phận của mình cho nhà cầm quyền muốn làm gì thì làm, phó mặc mọi sai lầm, áp bức, bất công, kể cả sự sỉ nhục cứ áp đặt lên đời sống hôm nay và tương lai của mình và luôn cả dân tộc mình. 
Tuổi trẻ trong nước đã hy sinh mạng sống vì lý tưởng tự do, dân chủ cho VN. Hỡi tuổi trẻ VN hải ngoại –chúng ta còn sợ, còn chần chờ gì nữa. Chuyến đi cuộc đời của chúng ta rồi có lúc sẽ kết thúc. Nếu có sợ, thì chỉ sợ trước khi nhắm mắt, chúng ta đã chưa từng dám sống cho sự thật và lý tưởng, để rồi không ai trên mặt đất này, còn biết đến tinh thần bất khuất của giống nòi, của những người VN máu đỏ da vàng nữa.”
Ký Thiệt
uong-ruou-bia-1.jpg

 
stkt.jpg

  Trai nhậu...
nhau2-1351657982_500x0.jpg



Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen