Mittwoch, 27. Mai 2015

S-219 và Hành trình...mời Ghi tên BS.Trần Văn Tích


Động cơ
Chức năng của pháp luật, nói một cách thực tổng quát, là thiết lập những mối liên hệ giữa người với người. An Tiêm, Robinson Crusoe trong thực tế không cần đến pháp luật. Tuy nhiên những điều luật, đạo luật, sắc luật, bộ luật đều do con người soạn thảo, ban hành, áp dụng và giải thích. Quyền lập pháp không phải là quyền tối thượng, không phải là phép thiêng liêng cho nên các văn bản lập pháp lập qui nhiều khi bị phê phán, bị tấn công để rồi phải cải cách, thậm chí phải thu hồi.
UPR, Universal Periodic Review, được Liên Hiệp Quốc triệu tập định kỳ ở Geneva, Thụy Sĩ, thực chất là một tiến trình phán xét những đạo luật trên khắp thế giới và bất cứ cá nhân, hội đoàn, chính phủ nào cũng có quyền đưa ra các ý kiến dưới hình thức statements hay recommendations. Đến như universal principle, vốn mang chức năng một nguyên lý cốt yếu, một định luật tổng quát mà cũng có quốc gia không chịu thừa nhận như Hoa Kỳ trong khi hàng loạt quốc gia khác vừa áp dụng nó vừa tu chỉnh nó. Và hiến pháp, luật lệ căn bản của nhà nước, cũng đâu có hoàn toàn bất biến bất di bất dịch. Những tổ chức bảo vệ nhân quyền như Amnesty International, Human Rights Watch v.v. thường xuyên và kiên trì chỉ trích các đạo luật liên quan đến án tử hình. Ngày 24.05 vừa qua, Putin vừa ban hành đạo luật kiểm soát các NGOs là lập tức bị thiên hạ phản đối. Các điều luật 79, 88, 258 của bộ luật hình sự Việt cộng là đối tượng phê phán nặng nề của mọi người, mọi tập thể quan tâm đến quyền làm dân và quyền làm người.
Đến lượt S-219 của Canada cũng thế. Nó không hề có tính cách bất khả tư nghị. Cho nên nó được công luận giải phẫu thật chu đáo kỹ lưỡng. Có người mổ xẻ một cách dữ dằn, mạnh bạo như bình luận gia Kiêm Ái. Có người phân tích một cách rộng lớn đến nỗi dùng chữ đại bịp như nhà phê bình Duyên Lãng .Có người mực thước hơn, chỉ trực tiếp vạch ra một màn hoả mù về chuyện treo cờ rủ như BS Trần Mộng Lâm. Nhưng ai viết thì cũng để tên thực họ thực, quang minh chính đại.

Tuy nhiên chỉ viết không thì chưa đủ; vì vậy có chủ trương mời gọi những người không hoàn toàn tán trợ đạo luật S-219 vì tên gọi của nó cùng ghi tên, nhằm tạo cơ hội cho đồng hương biểu lộ suy tư và ký thác tâm tình; đồng thời đạo đạt suy tư và tâm tình lên chủ nhân tối cao của nó là Quốc Hội Canada. Đó là động cơ của cuộc hành trình mời gọi ghi tên. Hành trình này đặt căn bản trên nguyên tắc : luật pháp là công cụ do con người chế tác và được con người sử dụng. Sử dụng bao gồm nhiều hình thức, trong đó có hình thức khiêm tốn lễ độ đệ trình nguyện vọng liên quan đến một văn cụ pháp lý – trong trường hợp này là S-219 – lên cơ quan ban hành văn cụ liên hệ, trong trường hợp này là Lưỡng viện Quốc hội Canada. Đó là một hành động hợp pháp và hợp lý vì không ai cấm đoán người khác thưa trình với mình một chuyện nào đó thuộc thẩm quyền của mình.

Thủ phạm
 
Thủ phạm là tên gọi của S-219 “Journey to Freedom Day Acttrong tiếng Anh nhằm đúng vào ngày 30.04. Người Lính Già Orégon đã viết trong bức thư chung phổ biến ngày 20.05 : “Thực ra, xét về nội dung, S-219 không có gì sai trái, có khi tốt đẹp là đàng khác, đối với người tỵ nạn chúng ta. Nhưng người Việt quốc gia tỵ nạn VC chỉ thắc mắc, và lên án, là tại sao ông Thượng Hải đề nghị và Quốc Hội Canada chấp thuận chọn chính ngày 30/4 - là Ngày Quốc Hận đổi danh xưng thành Ngày Hành Trình Đến Tự Do. Tại sao vậy cà? Một năm có 365 ngày, bộ hết ngày rồi sao, mà lại chọn chính ngày Quốc Hận (...)“.
Có người đã lật tự vị tra nghĩa chữ journey để rồi kết luận là gọi journey đâu có gì sai trái. Thực ra không hẳn vậy. Ngôn ngữ luôn luôn có hai mặt, hai cạnh, hai chiều, hai phía. Ngôn ngữ vừa có nội hàm ngữ nghĩa vừa có sắc thái biểu cảm. Một chữ nằm im lìm trung tính trong từ điển khác hẳn với cùng chữ đó hiện linh hoạt trữ tình trong văn bản. Người tỵ nạn Việt Nam, dù bỏ xứ ra đi bằng phương tiện nào đi nữa, cũng không hề cảm thấy là mình tham gia một journey. Ngay bản thân người thai nghén S-219, khi ly hương cũng đã “moved to Canada in 1975 after fleeing (TVT nhấn mạnh) Vietnam via Malaysia“, nếu chúng ta căn cứ vào tiểu sử trên Wikipedia. Huống chi journey được S-219 cưu mang trong một cuộc diện gây quan ngại lớn và tạo nghi ngờ nhiều. Thứ nhất, người khai sinh nó từng tiếp xúc với gã Thứ trưởng Việt cộng. Thứ hai, người khai sinh nó trả lời phỏng vấn là người Việt liều mình vuợt biên vượt biển vì muốn tìm tự do chứ không phải vì hận giặc đỏ. Thứ ba, người khai sinh nó có cộng sự viên thân tín công khai đăng đàn diễn thuyết kêu gọi người Việt tỵ nạn cộng sản hãy hợp tác với kẻ thù không đội trời chung của người tỵ nạn là Việt cộng để cùng chống lại Tàu cộng. Thứ tư, người khai sinh nó có bạn đồng viện tuyên bố S-219 đã được ban hành, xem như bước đầu để đi đến hoà hợp hoà giải dân tộc. Thứ năm, người khai sinh nó hành động trái ngược với đường lối của vị lãnh tụ quá cố đã khai sinh ra tổ chức của mình mà một trong những chủ trương là không tiếp xúc với Việt cộng. Bốn dữ kiện đầu là sự kiện, dữ kiện cuối là tin tức.
Cho nên, không hề có chuyện phê phán nội dung và chủ đích của S-219 mà chỉ có lời cảnh báo thống thiết đối trước một biến chuyển chính trị có thể rất bất thuận lợi cho đại nghĩa chống cộng là thay thế tên gọi Ngày Quốc Hận thành Ngày Hành trình tìm Tự do.
Năm nay người Do Thái chọn ngày thứ năm 16.04 làm ngày tưởng niệm Shoah Holocaust Day vì dân tộc họ từng là nạn nhân diệt chủng của chế độ Quốc xã Đức. Đối với Armenia, ngày 24.04.1915 được sử sách ghi nhớ thành Ngày Tưởng niệm Diệt chủng Dân tộc Armenia Armenia Genocide Remembrance Day vì vào ngày đó tại thủ đô Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh giết 600 thân hào nhân sĩ Armenia, khởi đầu một cuộc diệt chủng trên 1.200.000 người sau đó. Quốc gia Cămpuchia hiện nay có ngày 20.05 làm ngày Day of Maintaining Rage, Day of Tying Anger, Day of Hatred against the genocidal Pol Pot-Ieng Sary-Khieu Samphan clique and the Sihanouk-Son Saan reactionary groups. Các đảng viên Quốc Dân Đảng Việt Nam vĩnh viễn giữ gìn trong ký ức Ngày Tang Yên Báy. Không bao giờ có chuyện thay thế tên gọi những ngày vừa kể.

Kết quả
 
Nhóm chúng tôi ghi nhận được 138 người ghi tên. Đây là những người có tên họ thật, có địa phương cư trú rõ ràng, có địa chỉ điện thư minh bạch. Hầu hết đồng ý cho nhóm thu góp phổ biến địa chỉ điện thư cá nhân, chỉ có một nhân vật không đồng ý việc làm này. Tuy nhiên có một thiểu số không sử dụng internet – thường là vì cao tuổi – nên không có địa chỉ e.mail. Ông Huỳnh Bá Phụng, Chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân Queensland ở Úc châu cung cấp một danh sách gồm 17 người nhưng vì Ông đang ở Hoa Kỳ nên không thể gửi kịp thời địa chỉ điện thư của tất cả những vị ghi tên.
Đông đảo nhất là Hoa Kỳ với 37 người ghi tên, Úc Đại Lợi với 31 người ghi tên, Gia Nã Đại với 9 người ghi tên, Đức với 30 người ghi tên, Pháp với 3 người ghi tên, Hoà Lan với 3 người ghi tên, Thụy sĩ với 22 người ghi tên, Vương quốc Bỉ với 1 người ghi tên và Na Uy với 2 người ghi tên.
Nếu căn cứ vào nhân số đồng hương tỵ nạn trên khắp thế giới thì dẫu không có số liệu thống kê chính thức và chính xác, vẫn có thể kết luận mà không sợ sai lầm là quốc gia có tỷ lệ bà con tham gia ghi tên cao nhất là Đức quốc. Xin nói thêm là trên quê hương của Goethe và của Schiller, cá nhân chúng tôi chỉ gặp phản ứng rất mạnh mẽ từ một đồng hương duy nhất phê phán nặng nề việc mời gọi ghi tên vì nhân vật liên hệ hăng hái bênh vực S-219.
Có người ghi tên cho cả gia đình, bốn, năm, sáu người. Ở Đức, nhiều người ghi tên đã từng cùng chúng tôi đồng hành trên mọi con đường đấu tranh chống cộng; nhưng cũng có người chúng tôi chưa hề được hân hạnh quen biết.
Danh sách thiết lập bằng Anh ngữ (Petitioners List) được gửi cùng với văn kiện trình bày lý do qua bưu điện bằng thư bảo đảm có hồi báo lên nhị vị Chủ tịch Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện Canada với một bản sao kính gửi nữ Dân biểu Elisabeth May, người đã từng đề nghị giải pháp dung hoà thay thế ngày 30.04 bằng ngày 27.07, ngày Canada chính thức nhận người Việt tỵ nạn. Toàn bộ hồ sơ cũng được một thân hữu giúp phổ biến rộng rãi qua phương tiện truyền thông hiện đại change.org. Trên mạng lưới, danh sách sẽ được quảng bá trong những ngày sắp tới.
Ở Hoà Lan, có hai người gửi thư góp ý rằng không muốn ghi tên vì một người cho là nên chờ xem hiệu quả của S-219 tuy rằng vị này không tán trợ đao luật còn người thứ hai thì cho rằng trong tương lai ở Canada sẽ có tổ chức mừng S-219 do các thân hữu của nó phụ trách trong khuôn khổ sinh hoạt rộng lớn vào dịp Ngày Quốc Hận hằng năm và việc này thì theo đương sự là điều chấp nhận được.

Suy tư
Dẫu không hiểu biết rành rẽ về cấu trúc và vận hành của bộ máy công lý Canada nhưng – căn cứ vào tổ chức bộ máy công quyền ở các quốc gia dân chủ tự do Tây phương – chúng tôi suy luận rằng giải pháp ngoạn mục nhất là một người Canada gốc Việt vận dụng tố quyền công dân để nộp đơn lên Toà Bảo Hiến Gia Nã Đại nhằm khiếu nại về S-219 vì mình không đồng ý và cho là không hợp lý. Tuy nhiên đây chỉ là suy tư thuần lý thuyết, trong thực tế chẳng ai lại đi làm một việc chẳng đáng làm. Cũng vẫn trong thực tế, chúng ta có thể dự kiến hai tình huống đang xảy ra và sẽ xảy ra.
Tình huống thứ nhất : S-219 hoàn toàn trong sáng
Chúng ta chấp nhận rằng chủ nhân S-219 là người có tâm địa quang minh chính đại, trong sáng như sao Khuê chiếu rạng. Chúng ta chấp nhận rằng tác giả S-219 – nói một cách bao quát – là tổng hoà của ba yếu tố : truyền thống dân tộc hằng mấy nghìn năm, thực tiễn đấu tranh cứu nước chống cộng và trí tuệ học thức của con người. S-219 ra đời chỉ duy nhất nhằm mục đích tấn công giặc đỏ; do đó, có thể bỏ qua sự kiện Ngày Quốc Hận đã được cải danh thành Ngày Tìm Tự Do. Những đồng bào nào chấp nhận tình huống này xin cứ tự nhiên thoải mái tiếp tục ủng hộ S-219 và xin cứ hân hoan đề cao nó như một vũ khí sát thương cộng sản hữu hiệu.
Tình huống thứ hai :S-219 và những dấu hỏi lớn
S-219 Journey to Freedom Day Act ra đời trong bối cảnh kế thừa – dầu muốn dầu không – các tiền lệ SJ-455 Recognition Day Resolution và SJ-139 Remembrance Day Resolution ở tiểu bang Virginia Hoa Kỳ. Chủ nhân của S-219 có hành trạng gây tranh cãi, như đã phân tích. S-219 tạo phân hoá trầm trọng trong cộng đồng. Tuy nhiên hành trình mời gọi ghi tên chỉ là bề mặt. Người Lính Già Montréal Lê Tấn Lộc viết : “kháng thư mang tính chất bảo trì sĩ diện quốc gia của chính thể Việt Nam Cộng Hoà, một chính thể nhân bản, khai phóng, dân tộc mà anh em chúng ta và đồng bào chúng ta được diễm phúc hút thở bầu khí quyển tự do, phóng khoáng (...)“. Mời gọi ghi tên không nhất thiết phải ghi tên. Có người không minh danh ghi tên nhưng vô hình trung ghi tên bằng hành động, chẳng hạn qua quyền biến biểu lộ rõ ràng thái độ vào ngày 03.05 vừa rồi tại Montréal.
Dầu sao cộng đồng tỵ nạn cộng sản cũng đã được báo động về một âm mưu đen tối và thâm độc có thể đang xảy ra và đã có sẵn phương sách phòng ngừa. Bề sâu của hành trình mời gọi ghi tên vậy.
27.05.2015

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen