Freitag, 17. April 2015

Hữu Nguyên: Bi kịch của Thủ Tướng Úc Whitlam!




​Bi kịch của Thủ Tướng Úc Whitlam!
Hữu Nguyên (huunguyen@saigontimes.org)

LGT: Lịch sử nhân loại trong thời gian một thế kỷ qua đã chứng kiến, chủ nghĩa cộng sản mang lại sự khổ đau cho hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có hàng trăm triệu người bị thảm tử. Thê thảm hơn, chủ nghĩa cộng sản còn thiêu đốt không biết bao nhiêu nhà trí thức, khoa bảng, chính trị gia nổi tiếng thế giới, khiến họ, từ những người có lương tâm, có hoài bão phụng sự tha nhân, trở thành những kẻ bất nhân, tội đồ của lịch sử. Trong số những chính trị gia bất hạnh đó, có Thủ Tướng Úc Whitlam. Xác nhận thực tế này, ngày
26.3.2015, nhật báo The Australian đăng một bài viết của ký giả Greg Sheridan, trong đó có câu:
"Thái độ của Whitlam trong cương vị Thủ Tướng Úc vào tháng 4.1975, khi Saigon bị VC cưỡng chiếm, là một trong những chương nhục nhã nhất của lịch sử Úc thời hiện đại." (Whitlam’s behaviour as prime minister at the fall of Saigon in April 1975 was one of the most disgraceful episodes in modern Australian history). Nhận định của ký giả Greg Sheridan cho thấy sự thực, ngay cả những trí thức khoa bảng, những chính khách tài ba, dù là người Việt hay ngoại quốc, một khi ngây thơ tin vào những lời đường mật của cộng sản, đều dễ bị thân tàn ma dại, chuốc sự nhục nhã cho bản thân, gia đình, thậm chí tổ quốc. Nhận định này cũng cho thấy, trong Chiến Tranh VN, bên cạnh sự hy sinh xương máu, đóng góp công sức, tiền của, của các quốc gia Đồng Minh, cũng có những chính trị gia Đồng Minh, vì lý do này hoặc lý do khác, đã vô tình hoặc cố ý, tiếp tay CS đâm sau lưng VNCH. Vì vậy, khi kính cẩn tri ân những hy sinh to lớn của quân dân các quốc gia Đồng Minh, người Việt yêu nước vẫn nên biết đến những hành động phản bội của một số chính khách Đồng Minh trong đó có cố thủ tướng Whitlam.

SAI LẦM CỦA THỦ TƯỚNG ÚC WHITLAM

Tháng 4 năm 1975, tại Úc, Đảng Lao Động cầm quyền và thủ tướng Úc là ông Whitlam. Ông này tướng người bệ vệ, mặt mũi phương phi, tài cao học rộng, nên đã thành công trong việc lèo lái Đảng Lao Động, trở thành đảng cầm quyền, sau thời gian dài 23 năm thụ động, trong vai trò chính đảng đối lập. Là lãnh tụ của một chính đảng, có khuynh hướng thiên tả nên Whitlam cũng có những ảo tưởng sai lầm về cộng sản VN. Đó là lý do, sau khi trở thành thủ tướng Úc vào ngày 5.12.1972, không đầy 3 tháng sau ông chính thức bang giao với VC vào ngày 26.2.1973,và cho mở toà Đại Sứ Úc tại Hà Nội. Khi đó, Úc vẫn bang giao với VNCH, vẫn có tòa Đại Sứ tại Sàigòn, và quân dân Miền Nam vẫn đang tiếp tục chiến đấu chống lại làn sóng xâm lăng của VC. Bề ngoài, thủ tướng Whitlam nhìn nhận, mối bang giao tay ba giữa Úc với Hà Nội và SàiGòn là mối bang giao bình đẳng không có bên trọng, bên khinh. Nhưng thực tế, Đảng Lao Động cũng như cá nhân thủ tướng Whitlam đã âm thầm, có những đường lối chính sách, hậu thuẫn cho nhà cầm quyền CS Hà Nội.
Bằng chứng, cách đây 40 năm, thủ tướng Whitlam đã âm thầm lừa gạt quốc hội và dân chúng Úc khi ông thiên vị VC. Trong khi cộng sản ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Ba Lê xua quân chiếm đất giành dân, tấn công VNCH, thủ tướng Whitlam đã bí mật gửi cho tòa đại sứ Úc tại Hà Nội một bức điện văn có những lời lẽ hậu thuẫn cộng sản. Công khai, thời điểm đó, thủ tướng Whitlam gửi 2 bức điện văn: một cho đại sứ David Wilson ở Hà Nội, và một cho đại sứ Geofrey Price ở SàiGòn. Cả hai bức điện văn cùng đề ngày 2 tháng 4 năm 1975, trước khi SàiGòn thất thủ đúng 28 ngày. Trong khi bức điện văn của thủ tướng Whitlam gửi cho đại sứ Úc tại SàiGòn chỉ có vỏn vẹn không đầy nửa trang thì trái lại, bức điện văn gửi cho đại sứ Úc tại Hà Nội dài gấp ba lần. Bằng chứng thứ hai, lời lẽ trong bức điện văn gửi cho đại sứ Úc tại SàiGòn ngắn gọn khô khan, lạnh lùng hình thức, trong khi bức điện văn gửi cho đại sứ Úc tại Hà Nội lại thân mật, chi tiết với những nội dung cụ thể, yêu cầu đại sứ Úc phải làm để chinh phục tình cảm của Hà Nội.
Bằng chứng thứ ba, trong khi CS Hà Nội vi phạm Hiệp Định Ba Lê là một điều hiển nhiên, nhưng bức điện văn gửi cho đại sứ Úc tại SàiGòn không có một điều khoản, hay một dòng chữ nào đề cập đến sự vi phạm của CS Hà Nội. Trái lại bức điện văn chỉ yêu cầu ông đại sứ Úc tại SàiGòn, trình bày quan điểm của Úc đối với tổng thống Thiệu, "yêu cầu tất cả các phe phái tại Việt Nam cùng tái thương thảo làm việc, để đi đến một thỏa thuận hòa bình và lâu dài" (all parties in Vietnam will resume working together... towards a peaceful and enduring settlement).
Phi lý hơn nữa là trong phần B của bức điện văn, thủ tướng Whitlam còn yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, thực hiện nghiêm chỉnh Chương 4, đặc biệt là Điều 12, và Chương 5 của Hiệp Định Ba Lê, bằng không sẽ không có cơ hội chấm dứt hoặc giảm thiểu những xung đột võ trang.
Bằng chứng thứ 4, trong mục 3 của bức điện văn, thủ tướng Whitlam thúc dục đại sứ Úc tại SàiGòn cố gắng trong điều kiện có thể, trình bày quan điểm của chính phủ Úc với "những người Nam Việt không phải là thành viên của chính phủ SàiGòn nhưng có thể đóng vai trò chính trị quan trọng trong tương lai". Những người Nam Việt mà thủ tướng Whitlam ngụ ý ở đây, chính là những thành phần thân cộng, ngụy quốc gia, đội lốt thành phần thứ 3 tại Miền Nam lúc đó. Một vị thủ tướng, trong khi đang có quan hệ ngoại giao chính thức với VNCH, lại viết một lá thư như vậy thì rõ ràng nguy hiểm và phản bội những nguyên tắc ngoại giao sơ đẳng.
Bằng chứng thứ 5, trong phần C của bức điện văn gửi cho Hà Nội, thủ tướng Whitlam còn hứa với chính phủ Hà Nội, ông sẽ thúc dục tổng thống Thiệu tôn trọng các điều khoản trong Hiệp Định Ba Lê. Đặc biệt ở phần B của bức điện văn, thủ tướng Whitlam còn yêu cầu đại sứ Úc, nên cố vấn cho chính quyền Hà Nội những phương thức tranh thủ dư luận quốc tế, biện minh cho hành động vi phạm Hiệp Định Paris, tiến chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Bằng chứng thứ 6, trong phần 3 của bức điện văn gửi Hà Nội, thủ tướng Whitlam còn hứa, sẽ viện trợ một cách dồi dào cho VC tái kiến thiết VN một khi chiến tranh chấm dứt.
Thủ tướng Whitlam là một người có tài, và thực sự là bạn của người nghèo, của những người bị áp bức. Nhưng chỉ vì không hiểu rõ VC, nên ông đã có thái độ tàn nhẫn, lạnh lùng đầy ác cảm đối với người Việt tỵ nạn CS. Chính thái độ này đã khiến ông, từ một chính khách tên tuổi và uy tín, trở thành một kẻ cơ hội chủ nghĩa. Âu đó cũng là bài học cho các chính khách nói riêng, và cho tất cả mọi người nói chung, khi giao tiếp với CSVN.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen