Freitag, 27. März 2015

Giáo viên rượt đuổi, đánh và lăng mạ học sinh trong lớp học

ĐĂNG NGÀY: 25.03.2015 , MỤC: - TIN NỔI BẬTTIN VIỆT NAM


VRNs (25.03.2015) – Sàigòn – Một đoạn video lan truyền trên các trang mạng xã hội có độ dài gần 5 phút mô tả cảnh một cô giáo quát tháo một học sinh nữ, yêu cầu nữ sinh này đứng lại nhưng em đã bỏ chạy, ngay lập tức cô đã chạy lên ghế, rượt đuổi em học sinh ngay trong lớp học. Sau khi cô giáo bắt được nữ sinh này thì cô liên tục tát vào mặt, đánh vào đầu với những lời lẽ lăng mạ trước sự chứng kiến của nhiều em học sinh khác cùng lớp.
Trong đoạn video cũng cho thấy, một nữ sinh khác đã lên tiếng bảo vệ nữ sinh này sau khi chứng kiến cảnh cô giáo hành hung bạn, nhưng cô giáo tiếp tục dùng những lời lẽ đe dọa cả hai em học sinh.
Sau khi đoạn video trên được loan tải thì có nhiều phản ứng gay gắt về nền giáo dục VN sau gần 40 năm dưới thời XHCN.

Hông Trân thốt lên: “Giáo viên gì mà thiếu nhân cách quá!”. Thanh Pho Hao Hoa kêu lên: “Cô giáo kiểu gì vậy, dạy học sinh như thế này không thể chấp nhận được.” Trungthu Nguyen nói cụt lủn: “Cô giáo với nền giáo dục của cộng sản.”
Nhiều bạn đọc khác đau lòng khi nhìn thấy cô giáo rượt đuổi, hành hung học sinh và lo lắng hơn cho vận mệnh đất nước khi thế hệ trẻ đã và đang sống dưới nền giáo dục định hướng bạo lực, vô cảm và vô trách nhiệm của nhà cầm quyền cs gây ra suốt gần 40 năm qua.
Tuyen Nguyenngoc chán nản: “Một nền Giáo dục quá tồi tệ nhự vậy đủ để đánh giá sự phát triển của một đất nước ra sao…” Cong Hung phẫn nộ: “Trăm năm trồng người XHCN là đây! Người lớn đang dạy bạo lực cho trẻ nhỏ!”. Bùi Văn Tiến nói: “Hành vi ứng xử của Nhà giáo tác động trực tiếp đến hàng triệu học sinh được ví như ‘trang giấy trắng’, gián tiếp đến hàng chục triệu con người trong xã hội.”
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ‘bạo lực học đường’ càng ngày càng gia tăng ở độ tuổi học sinh. Đó là nhận xét của bạn Nhuhoa Nguyen, bạn này nói tiếp: “Chỉ mới có 40 năm ‘trồng người’ thôi, còn tới ’60 năm’ nữa mới đủ ‘Trăm năm trồng người’. Có thể từ bây giờ tới 60 năm nữa sẽ có cảnh bạo lực từ trường Mẫu giáo.”
Còn bạn đọc Phạm Gia Bình phản ứng mạnh: “Không thể tưởng tượng nổi. Cô giáo như vậy, thì bảo sao xã hội không loạn. Bộ giáo dục sẽ phản ứng ra sao đây? Với hành vi như vậy, cô giáo trên đã vi phạm một loạt các quy định như: đạo đức và tư cách nhà giáo, vi phạm luật bảo vệ trẻ em, lăng nhục và đe dọa tính mạng người khác, hành hung xâm phạm thân thể người khác. Với các vi phạm trên cô giáo trên phải bị đuổi việc và xử lý theo đúng pháp luật. Nếu cơ quan bảo vệ pháp luật không chủ động tham gia thì gia đình học sinh nên kiện cô giáo ra tòa.”
Tuy nhiên, rất nhiều bạn đọc khác lại đồng tình và thông cảm với cách hành xử của cô giáo trong đoạn video trên, bởi vì họ cho rằng, ngày nay, các em học sinh cứng đầu cứng cổ, cãi chày cãi cối, tính tình hung hăng… nên cần phải trừng trị thẳng tay như vậy.
Kelvin Anhvu nói: “Cô giáo đánh học sinh là sai nhưng gặp học sinh như thế này thì bực không chịu được. Ai đời, cô nói trò đứng lại thì trò không thèm nghe, còn cãi cả cô nữa, chẳng xem giáo viên ra gì.” Xa Que tiếp lời: “Đứng vào địa vị của cô giáo mới hiểu, bởi vì học sinh thời nay cái tốt thì không chịu học, mà cái xấu thì học rất nhanh.” Ước Mơ Nhỏ cho biết: “Cô giáo không như thế này thì làm sao mà trị được lũ học sinh hư hỏng. Phải có người như thế để chúng nó phải sợ mà lo lắng học hành chứ. Học sinh giờ mất nết lắm, không trị sẽ hư hỏng. Khổ cho các thầy cô giáo.”
Cũng có một số bạn đọc khác cho rằng, dư luận không nên đổ hết mọi tội lên đầu giáo viên. Kaoh Hmin Neugyn cho ý kiến: “Ngày trước, thầy cô giáo cũng đánh và trừng phạt học sinh bằng cách nằm lên bàn roi nện, khẻ tay, quỳ gối, viết phạt… nhưng học sinh thời đó không ngỗ nghịch, hay trả treo như bây giờ. Do đó, không thể buộc tội nhà giáo.”
Thế nhưng, bạn đọc tên là Diana Vuong không đồng tình với ý kiến của Kaoh Hmin Neugyn, bạn này nói: “Đồng ý với anh Kaoh là không nên đổ hết lỗi cho Thầy Cô Giáo. Một phần do gia đình, một phần do xã hội nhưng Thầy Cô Giáo ít nhất cũng phải làm gương cho học trò, tác phong đứng đắn một chút chứ ai mà rượt đuổi, đánh học trò như kẻ vô ý thức như vậy.” Còn bạn đọc Rock Xuyên Màn Đêm đặt lại vấn đề với Kaoh Hmin Neugyn: “Dù học sinh có hỗn láo như thế nào đi chăng nữa, thì cách hành xử của cô giáo như vậy có đúng không?”.
Như vậy là, chỉ qua một số bình luận tiêu biểu chúng tôi trích dẫn trên đã đủ cả những nguyên nhân từ chế độ chính trị, xã hội, luật pháp, xưa và nay, phê phán, ủng hộ… Thế nhưng, vấn đề cần đặt ra làm thế nào để không còn tái diễn những vụ việc tương tự thì lại ít người nêu lên. Phải chăng tâm lý chấp nhận sống chung với cái ác đã ngấm dần vào mỗi người dân VN, khiến mỗi người dân chỉ còn biết phê phán khi sự việc đã xẩy ra, còn xắn tay áo lên ngăn chặn sự ác từ trước khi chúng có thể hình thành thì thuộc nhiệm vụ người khác, mà dân gian thường mỉa mai ‘đã có đảng và nhà nước lo’! Người ta chỉ vẽ lên khẩu hiệu ‘tiên học lễ…’, còn Luật Giáo dục thì qui định hẳn một điều cấm ‘truyền bá tôn giáo…’. Trong khi xưa nay có ai nghe tôn giáo truyền bá điều ác? Người ta phát động học tập đạo đức…, nhưng đạo đức ấy đòi hỏi phải đấu tranh giai cấp, phải sử dụng bạo lực, phải trấn áp, phải cuớp, phải giành, phải đấu tố, phải giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ. Vâng, ‘gieo hạt nào, gặt quả ấy’.
Huyền Trang, Pv VRNs

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen