Mittwoch, 27. August 2014

Buổi nói chuyện của chương trình Từ Cánh Đồng Mây

với
https://lh6.googleusercontent.com/-jgeCcPH8Btc/U_lHoNxtlSI/AAAAAAAACj4/n5yJo1QukJQ/w238-h330/TT%2BDai%2BVest%2Bxanh%2B.%2BJPG.jpg
TIẾN SĨ
TÔN THẤT ĐẠI
                                                           (Cháu ngoại cụ Phạm Quỳnh)
 
 
Xin bấm link để nghe
 
“Điều anh em nghe được trong bóng tối hãy nói nơi ánh sáng,
điều anh em nghe rỉ tai nhau hãy rao giảng trên mái nhà”. - (Mt 10:27)
 
http://www.viendongdaily.com/../../../res/fckfolder/Image/NewEditor/2013/8/03-Aug-2013/432%20h1.jpg
Thượng Thư Phạm Quỳnh

BÀN VỀ CÁI TINH THẦN LẬP QUỐC

Phạm Quỳnh
Văn hào nước Pháp Ernest Renan trong một bài đại luận đề là Thế nào gọi là một nước? có nói rằng cái nguyên tố dựng ra một nước không phải chỉ ở thổ địa nhân dân mà thôi, cốt là ở cái ý nguyện chung của người ta muốn cùng nhau xum vầy sinh hoạt, cùng nhau cộng thích (cùng lo lắng) đồng hưu (cùng vui hưởng thái bình) nhìn về trước thời cùng nhau chung một cuộc lịch sử đề tạo (cấu thành) gian nan, ngó về sau thời cùng nhau chung một lòng hi vọng vẻ vang rực rỡ; nói tóm lại là ở một cái mối vô hình nó ràng buộc người ta lại, làm thành một cái đoàn thể thiên nhiên mà bền chặt, trăm nghìn vạn mớ người cùng như một người, lâm thời có thể răm rắp đứng lên mà đối với sự ngoại hoạn (tai hoạ vì giặc ngoài). Cái mối vô hình ấy, tức là cái tinh thần lập quốc, tức gọi là quốc hồn. Cái tinh thần ấy phấn chấn thời nước mạnh; cái tinh thần ấy uỷ mĩ (kém hèn) thời nước suy. Có đất có người mà cái hồn chung ấy không có thời chưa thể thành một nước được. Đất đã vào tay chủ khác, dân làm nô lệ cho người, mà cái hồn chung ấy vẫn còn, thời dẫu phân lìa tan tác, bảy nổi ba chìm, sớm trưa rồi cũng có ngày khôi phục (mất rồi lại được). Nhìn trên mặt đất, xét cuộc sử xanh, biết bao nhiêu nước xác thì còn mà hồn đã mất, lại biết bao nhiêu nước hồn vẫn sống mà xác không còn. Những nước thuộc vào hạng trên thì có cũng như không, mà những nước thuộc vào hạng dưới thì không mà vẫn có.
Cái mối vô hình đó là cái mối thần thánh thiêng liêng, dẫu áp chế cũng không làm cho tiêu diệt được, càng toả chiết (trắc trở) lại càng thêm mạnh bạo hơn; cái mối vô hình đó lại là cái mối mầu nhiệm tinh vi. Có giữ gìn chăm chút thời mới chung đúc kết tinh, nếu bỏ mặc chểnh mảng thời tất phân lìa giải tán. Đã kết tinh rồi thời rắn như kim cương, khó lòng mà vỡ ra được; đã giải tán rồi thời nhẹ như hơi khói, khó lòng mà thu lại được. Cho nên một nước quí không ở đất rộng người nhiều, mà ở cái quốc hồn tỉnh táo mạnh mẽ. Nhỏ như nước Nhật, chon von mấy cái đảo giữa bể khơi, mà oai hùng chấn động cả phương cầu; lớn như nước Tàu, bát ngát bao muôn dặm trên lục địa, mà việc nước lúng túng vẫn chửa xuôi. Là bởi cái tinh thần lập quốc của Nhật đã mấy mươi đời ma luyện (rèn luyện) bằng cái đạo võ sĩ (bushi), bằng cái phong “lãng nhân” (rônin), nay thành như một thanh bảo kiếm, vừa sắc vừa bền, không sức nào bẻ cho gẫy được. Mà cái tinh thần lập quốc của Tàu thời lại mấy mươi đời trầm trệ trong cái học hư văn (văn không thiết thực), trong cái thói hủ lậu, nay ví như một thanh gươm cùn, vừa rỉ vừa nhụt, không thể sao chống nổi với ngoài.
Như vậy thời cái tinh thần lập quốc, cái quốc hồn, là một mối thiêng liêng mà cũng là một mối sinh hoạt. Khéo gây dựng thời nẩy nở phát đạt, vụng chăm nuôi thời héo hắt tồi tàn. Cái công chăm nuôi gây dựng ấy là cái công chung của cả quốc dân. Hễ bao nhiêu người trong nước đều chung một cái ý nguyện cùng nhau kết hợp thành đoàn thể, sinh hoạt được thảnh thơi, thời cái tinh thần ấy tất bàng bạc trong xã hội mà đầm thấm cả mọi người. Nếu mỗi người chỉ biết riêng một thân mình, không thoát ra khỏi cái phạm vi cá nhân mà noi lên tới cái quan niệm về quốc gia về xã hội, cùng nhau ăn ở một đất nước chung, cùng nhau thờ phụng những tổ tiên chung, mà không biết rằng đối với nhau có cái giây liên lạc vô hình, có cái mối quan hệ mật thiết, lại kỳ thị lẫn nhau, coi nhau như kẻ Việt người Tần, gây ra cái tình trạng rời rạc, cái không khí lạnh lùng, thời cái tinh thần ấy càng ngày càng bạc nhược đi, rồi đến tiêu tán đi hết. Đã đến thế thời nước còn mà là mất, dân có cũng như không, vì chẳng qua là một mớ người ô hợp, phất phơ lơ láo, phảng phất mơ màng, chỉ thoảng qua một cơn sóng gió ở ngoài, là rụng rời tan tác như bèo giạt mây trôi vậy. Ấy cổ lai (xưa nay), các dân tộc lìa tan, các quốc gia lụn bại, cũng chỉ bởi cái ý nguyện người dân, cái tinh thần lập quốc đó suy sút bạc nhược đi mà thôi.
Pham Duy Ton - Pham Quynh - Nguyen Van Vinh
Nói tóm lại thời nước là ở lòng người; cái nguyên tố lập ra nước là tự trong lòng người không phải ở đâu xa. Hễ người ta có cái ý nguyện muốn xum vầy để sinh hoạt cùng nhau, thế là nước thành. Cái ý nguyện ấy càng đằm thắm thiết tha bao nhiêu thời đoàn thể quốc gia càng bền chặt vững vàng bấy nhiêu. Cái ý nguyện ấy đã thấy hững hờ lạt lẽo, thời là đoàn thể quốc gia bắt đầu suy vậy.
Vậy thời theo như lời ông Renan: nước là một cái hồn, một cái tinh thần mầu nhiệm (La nation est une âme, un principe spirituel). Hồn ấy còn là nước còn, hồn ấy mất nước mới mất. Mà còn hay mất là ở cái ý nguyện của người ta, như trên kia đã nói.
Nay xét trong cái nguyên tố tinh thần lập quốc đó, có hai phần: một phần thuộc về quá khứ, một phần thuộc về hiện tại. Thuộc về quá khứ là phần lịch sử: người ta không phải là bỗng chốc mà nên con người được; một nước cũng không phải là hôm mai mà thành một nước được. Tất phải có kinh lịch mấy mươi đời đề tạo gian nan mới thành được: cái lịch sử đó là cái “tư bản” vô hình của một nước. Người ta phải có một cái “vốn kỷ niệm” chung như thế, thời mới có thể sinh tồn thành quốc gia được. Lịch sử càng lắm đoạn vẻ vang, lắm hồi khổ thống bao nhiêu, thời cái “vốn kỷ niệm” ấy lại càng phong phú bấy nhiêu. Mà trong các kỷ niệm, những cái kỷ niệm khổ thống (đau khổ) lại là nhớ lâu hơn cả, vì nó để cái vết sâu trong tâm hồn người ta: đã cùng nhau chịu khổ chịu nhục thời không bao giờ quên nhau được nữa. Thuộc về hiện tại thời đã có cái “vốn” chung như thế, phải có cái chí muốn đem cái “vốn” ấy ra mà cùng nhau mở mang, cùng nhau hưởng thụ, như cái hương hoả chung của ông cha để lại cho anh em trong một nhà vậy. Nếu chểnh mảng mà để cho cái “vốn” ấy suy sụt đi thời không những có tội với tổ tiên, mà lại có tội với hậu thế, vì cái hương hoả ấy phải truyền mãi đời đời, không được đoạn tuyệt, mà mỗi đời lại phải bồi bổ gom góp thêm mãi vào cho phong phú hơn lên.
Đã tiếp thu được cái hương hoả của đời trước, lại có cái chí nguyện thiết tha muốn bảo tồn lấy cái hương hoả ấy, khuếch trương cho nó phong phú thêm, để truyền thụ cho đời sau, đời đời kế tục nhau như thế, thời quốc vận sẽ vững vàng như Thái sơn Bàn thạch, cùng với núi sông hoa cỏ sinh tồn mãi mãi trong thiên địa gian vậy.
Như nước Nam ta, kể cũng có thể là một quốc gia hoàn toàn. Không những đất rộng người nhiều, chủng tộc, tôn giáo, ngữ ngôn, phong tục từ Nam chí Bắc cũng là một, không gì gián cách nhau, mà cái tinh thần lập quốc xưa kia cũng đã từng lắm phen tỏ ra mạnh mẽ tỉnh tao vô cùng. Không nói tự đời Trưng vương Triệu Ẩu, nước còn là bộ lạc có lẽ cái tinh thần ấy còn phảng phất mà chưa chung đúc lại thành quốc hồn; nhưng hồi Trần hưng Đạo đánh giặc Nguyên, hồi Lê Thái Tổ đánh giặc Minh, cử quốc (cả nước) đều cùng một lòng theo ông tướng tài, ông vua giỏi mà chống cự với quân ngoại địch, đến thu phục được giang sơn nước nhà ở tay kẻ cường lân (láng giềng mạnh), thời cái quốc hồn của ta bấy giờ kể cũng đã quật cường lắm vậy. Mà cái lịch sử của ta kể cũng đã vẻ vang lắm thay! Thuộc về quá khứ như thế, mà thuộc về hiện tại thế nào? Xưa kia quật cường bao nhiêu, bây giờ (1931-PT chú) xem như uỷ mĩ bấy nhiêu; xưa kia vẻ vang bao nhiêu, bây giờ xem ra suy đồi bấy nhiêu. Nhà thuật số (nghiên cứu bát quái, ngũ hành suy ra hoạ phúc con người) thời cho cái vận hội nước nhà đến hồi như thế, qua hồi này, rồi đến hồi khác, cũng giang sơn ấy, cũng anh hùng ấy, cũng có ngày vẻ vang quật cường, có kém chi xưa. Nhà tâm lý, nhà xã hội thời cho là cái tinh thần lập quốc của ta có suy nhược đi nhiều; cái chí nguyện chung của quốc dân có phần sút kém, không được vững bền như xưa; cái lòng tín ngưỡng ở tổ tiên, tự tin ở sức mình, là cái năng lực của kẻ anh hùng hào kiệt, cũng bị thời thế, bị hoàn cảnh nó tiêu ma mà mai một đi mất. Cái bệnh suy nhược của quốc gia ta ngày nay, bởi ngoại cảm cũng có, mà bởi nội thương phần nhiều. Muốn bồi bổ cho bình phục lại và phấn phát lên thời liệu trị ở ngoài đã đành mà điều dưỡng ở trong lại cần lắm. Phương pháp ngoại trị là thuộc về chính trị; phương pháp nội trị là thuộc về tâm lý. Chính trị không có định sách, tuỳ tình thế, tuỳ cơ hội mỗi lúc mà thay đổi phương châm, mà chuyển di kế hoạch. Tâm lý duy có một phương: là bồi bổ cái sức mạnh tinh thần, là nuôi nấng lấy cái quốc hồn tỉnh tao lên. Đó là cái nghĩa vụ chung của cả quốc dân. Nội thương đã trị được thời ngoại cảm tất cũng cũng phải trừ. Quốc hồn đã khôi phục thời mọi vấn đề chính trị sớm trưa ắt sẽ giải quyết xong. Cốt nhất là quốc dân phải tỉnh ngộ mà sớm nên chú trọng về phần hồn, dẫu gặp cảnh yếu hèn cũng chớ nên cam tâm yên phận, biết tin ở nước, tin ở mình, phấn phát (cố gắng) tự cường, thời trở lực nào mà ngăn được cái sức mạnh tinh thần đó? Lại cốt nhất là phải đồng tâm hiệp lực với nhau, cố kết cùng nhau, thời yếu mà cũng trở nên mạnh được, dẫu mỏng như cánh bèo cũng có thể che được mặt nước, chắn được trời xanh. Đời nhà Mạc, tướng Tàu Mao Bá Ôn muốn đem quân sang đánh nước Nam, có ý khinh nước ta, ví như cái bèo trên mặt nước, vịnh bài thơ bèo rằng:
“Cái bèo kia mọc theo ruộng nước nhỏ như cái kim mọc ở chỗ nào cũng không được sâu; cây không có gốc rễ mà không có cán (thân cây), thể sao có ruột với có cành được; chỉ biết mọc xúm lại một chỗ, rồi tan đi đâu không biết, chỉ biết lúc nổi trên mặt nước, rồi chìm lúc nào không biết; gặp khi chiều trời cơn gió ác, quét ra hồ bể biết đâu mà tìm! – Cụ Trạng Giáp Hải họa lại bài thơ ấy rằng:
“Bèo kia mọc ken như vẩy gấm, khó luồn được cái kim vào; cành rễ liền nhau mọc rất sâu. Thường cùng với đám mây ráng trên trời mà tranh mặt nước, không để cho mặt trời chiếu xuống lòng nước được. Sóng đánh nghìn trùng không phá vỡ được; gió thổi muôn lần không đánh chìm được. Nào cá nào rồng ẩn cả trong đám bèo ấy, đến cần câu ông Lã Vọng cũng không biết đâu mà tìm!”
Ấy cái bèo nước Nam ngày xưa hùng như thế; tranh được cả bạch vân (mây trắng), chắn được cả hồng nhật (mặt trời đỏ), mà dung được bao nhiêu kẻ hào kiệt anh hùng. Có lẽ ngày nay để cho phong trào thế giới quét sạch ra bể hồ hay sao? Nếu không biết cố kết lấy nhau, mọc ken như vẩy gấm, mà nối lá liền rễ cùng nhau, thì đến thế thật.
P.Q.
 http://cpd.vn/Portals/0/users/hoacpd/102012/TTD.54.jpg
KTS Tôn Thất  Đại 1997

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen