Mittwoch, 30. Juli 2014

T T HOA KỲ LUÔN ĐỐI MẶT HIỂM NGUY

tka23 post
  Không chỉ trên màn ảnh mà ngay cả trong đời thực cũng luôn luôn tồn tại vô số những mối đe dọa bủa vây rình rập các Tổng thống Mỹ. Nhà Trắng luôn là đối tượng có sức hấp dẫn bậc nhất đối với các tên khủng bố đủ mọi sắc tộc hay những người thần kinh “có vấn đề”.
Lames McVay, kẻ định mưu sát Tổng thống Obama.
Một nghề nguy hiểm
Không chỉ trên màn ảnh mà ngay cả trong đời thực cũng luôn luôn tồn tại vô số những mối đe dọa bủa vây rình rập các tổng thống Mỹ. Tổng thống Mỹ luôn là đối tượng có sức hấp dẫn bậc nhất đối với các tên khủng bố đủ mọi sắc tộc hay những người thần kinh “có vấn đề”.
Có giả thuyết cho rằng một trong những chiếc máy bay chở hành khách bị cướp ngày 11-9-2001 là để dành cho cuộc tấn công cảm tử vào Nhà Trắng... Năm 1974, một doanh nhân quá tuyệt vọng vì làm ăn thất bát đã định cướp một máy bay chở khách ở sân bay Washington để tới lao vào Nhà Trắng. Y đã bắn chết viên bảo vệ và hai phi công rồi tự sát sau khi hiểu ra rằng y không thể nào làm cho máy bay cất cánh được...
Ngay từ thế kỷ XIX đã có nhiều trường hợp người Mỹ vì không hài lòng với cách hành xử của nguyên thủ quốc gia đã đứng rình ở cổng Nhà Trắng để ném đá vào tổng thống khi ông này bước ra. Cho tới hôm nay, cơ quan bảo vệ Mỹ vẫn thường xuyên túm được những người thủ trong mình súng ngắn và lảng vảng tới gần Nhà Trắng. Thậm chí năm 1977, có kẻ quấy rối đã tới Nhà trắng và nhằm vào đội bảo  vệ của Tổng thống Mỹ mà giơ...  súng phun nước.
Tại nước Mỹ, việc ám sát do những động cơ chính trị gần như đã trở thành “truyền thống văn hóa”. Đã từng có 4 tổng thống Mỹ bị ám sát. Tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln năm 1865 bị bắn chết trong nhà hát vào đúng ngày thứ sáu. Thủ phạm là một diễn viên. Còn tổng thống Mỹ thứ 20 James Garfield năm 1881 bị thương nặng rồi chết khi đi ra sân ga tàu hỏa. Thủ phạm là một bệnh nhân tâm thần.
Năm 1901, Tổng thống Mỹ thứ 25 William McKinley đã bị một kẻ vô chính phủ hạ sát trong lễ khai mạc triển lãm liên Mỹ. Tổng thống Mỹ thứ 35 John Kennedy năm 1963 đã bị bắn chết tại Dallas... Tên họ thủ phạm đích thực đã gây nên vụ ám sát này cho tới hôm nay vẫn là điều bí ẩn.
Trong số 43 đời Tổng thống Mỹ có tới cả chục người từng bị mưu sát. Người đầu tiên trong số này là Tổng thống Mỹ thứ 7 Andrew Jackson. Ngày 30/1/1835, ông này tới đồi Capitol để dự đám tang một thượng nghị sĩ. Bất ngờ, một thợ sơn thất nghiệp đã giương súng bóp cò 2 lần liền nhằm vào bắn ông nhưng đạn đã bị thối... Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt cũng từng bị mưu sát năm 1912 trong chiến dịch vận động bầu cử. Ông này may mắn sống sót chỉ nhờ viên đạn đã găm đúng vào quyển sổ mà ông đút trong túi áo ngực. Cháu ông, Tổng thống Mỹ thứ 32 Franklin Roosevelt, cũng từng bị mưu sát khi chưa đăng quang.

Các vị Tổng thống Mỹ tiếp theo từng bị mưu sát là Harry Truman (ngày 1/11/1950), Gerald Ford (5/9/1975), Ronald Reagan (30/3/1981)... Theo cơ quan tình báo Mỹ, ông George Bush cha cũng từng bị mưu sát khi tới thăm Kuwait năm 1993, sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất kết thúc. Người tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ, Bill Clinton, đã từng bị tới 4-5 vụ mưu sát. Ông Bill Clinton cũng là người suýt nữa phải đối mặt với nguy cơ từ chức vì vụ tai tiếng tình ái với cô thực tập sinh phốp pháp Monica Lewinsky...

Mới đây nhất, ngày 14/5, tòa án bang Nam Dakota đã kết án tử hình đối với James McVay, 44 tuổi, kẻ đã định mưu sát đương kim Tổng thống Barack Obama và đã sát hại một bà cụ 75 tuổi để cướp xe hơi đi hành sự...

Chính vì sinh mệnh của tổng thống luôn luôn bị đe dọa nên việc sớm đưa ra danh sách những nhân vật có thể thay thế nguyên thủ quốc gia trong những tình huống xấu nhất là một việc sớm được chính quyền Mỹ nghĩ tới.

Những vụ “chuyển nhượng” bất ngờ
Bộ phim hành động gay cấn “Nhà Trắng thất thủ” (Olympus Has Fallen) của đạo diễn Antonie Fuqua ra mắt khán giả lần đầu từ cách đây hơn một năm nhưng chỉ mới được chiếu với phụ đề tiếng Việt trên truyền hình đầu mùa hè năm nay. Trong phim dựng nên tình huống giả định khi Nhà Trắng (mật danh đối với lực lượng an ninh là Olympus) bị một phần tử lực lượng khủng bố người Triều Tiên chiếm giữ. Và Tổng thống Benjamin Asher đã bị bọn khủng bố bắt làm con tin...
Khi ấy, ngay lập tức cơ chế tạm quyền nguyên thủ quốc gia đã được khởi động và Chủ tịch Hạ viện Allan Trumbul đã phải nhận trách nhiệm Quyền Tổng thống, điều hành chiến dịch giải cứu những lãnh đạo bị bắt làm con tin...
Tuy là bộ phim mang tính hư cấu nhưng “Nhà Trắng thất thủ” đã phản ánh rất đúng như quy chế đã được lập sẵn cho bộ máy chính quyền nước Mỹ trong trường hợp người đứng đầu quốc gia gặp nạn, không thể tiếp tục thực hiện trọng trách của mình.
Quyết định về thứ tự thừa kế ngôi vị được thông qua cách đây không lâu như một trong những biện pháp gia tăng nền an ninh quốc gia. Theo đó, nếu Tổng thống Mỹ không may bị ám sát hoặc đột ngột từ trần, hay phải rời bỏ Nhà Trắng vì một lý do nào đó khác thì vị trí này sẽ thuộc về Phó Tổng thống.
Còn nếu có chuyện gì đó xảy ra với Phó Tổng thống thì Chủ tịch Thượng viện sẽ lên ngồi vào vị trí ấy. Thứ tự ưu tiên tiếp theo thuộc về Chủ tịch Hạ viện rồi Ngoại trưởng... Tất cả là 17 người. Quan chức Mỹ ít có khả năng lên ngôi Tổng thống, nhất là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng chuyên trách công tác cựu chiến binh.
Trước đó, cung cách thừa kế ngôi vị chủ nhân Nhà Trắng đã được thay đổi ba lần. Lần đầu tiên vấn đề này được đề cập tới là vào năm 1792: quyền thừa kế “ngai vàng” chỉ được trao cho ba người là Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện. Năm 1886 có thêm một số nhân vật nữa thuộc nội các được lọt vào danh sách trên. Năm 1947, người Mỹ mới đưa ra thứ tự cụ thể những quan chức chính phủ có lên thể thay thế Tổng thống trong những trường hợp bất khả kháng. Tiêu chuẩn đề ra là ngày thành lập chính thức cơ quan (Bộ) mà quan chức này đứng đầu.
Đã có vài lần hệ thống này được áp dụng trong thực tế. Năm 1841, Tổng thống Mỹ thứ 9 William Henry Harrison bị mắc bệnh viêm phổi và qua đời chỉ sau có một tháng làm chủ Nhà Trắng. Người thừa kế chức vụ của ông này là Phó Tổng thống John Tyler. Đây chính là nhân vật đầu tiên ở Mỹ bước vào Nhà Trắng theo cung cách “vận may mỉm cười” như thế. Vụ chuyển giao quyền lực thứ hai tương tự như vậy đã diễn ra vào năm 1850 sau khi Tổng thống Mỹ thứ 12 Zachary Taylor bị đột tử (Phó Tổng thống Millard Fillmore đã lên thay ông này). Vụ thứ ba xảy ra năm 1881: Phó Tổng thống Chester Alan Arthur lên thay vị Tổng thống chết bất đắc kỳ tử sau một tháng bị mưu sát James Abram Garfield.
Đôi khi “vai phụ” bước vào Nhà Trắng theo cách trớ trêu như vậy khi được cầm cờ rồi đã tỏ ra tương xứng với người tiền nhiệm quá cố và đôi khi lại tỏ ra vượt trội hơn. Năm 1901, sau khi Tổng thống William McKinley bị ám sát, người thay thế ông ta là Theodore Roosevelt, 42 tuổi, đã trở thành vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông này đã đấu tranh chống nạn tham nhũng khá thành công, đã có sáng kiến khởi xướng ra đạo luật chống độc quyền và được nhận giải Nobel về hòa bình nhờ công môi giới (với lời lãi khá lớn) chấm dứt chiến tranh giữa nước Nga Sa Hoàng và Nhật Bản (1905).
Vị Tổng thống này đã mang lại khá nhiều lợi lộc cho nước Mỹ, tất nhiên là bằng cách xâm phạm quyền lợi của các dân tộc khác. Chính Roosevelt đã tổ chức đảo chính tại Columbia, kết quả là hình thành Nhà nước Panama mới, lập tức trao cho Washington quyền cai quản kênh đào Panama mang đầy mình ý nghĩa chiến lược...
Năm 1923, Tổng thống Mỹ lúc đó là Warren Gamaliel Harding bị phát hiện dính líu tới một vụ tham nhũng và có nguy cơ bị phế truất. Thế nhưng, ông ta lại qua đời vì bị cảm lạnh và Phó Tổng thống Calvin Coolidge đã lên làm chủ Nhà Trắng. Chính ông tổng thống không định mà thành này đã thành công nhiều cuộc cải cách chính trị và kinh tế, giúp cho Washington lần đầu tiên giảm được gánh nặng nợ nhà nước.
Năm 1945, trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc không lâu, Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt qua đời vì bệnh tật, lên thay ông này là Phó Tổng thống Harry Truman. Roosevelt là người được tái đắc cử vào chức chủ nhân ông Nhà Trắng nhiều lần nhất (4 lần) trong giai đoạn 1933-1945. Chỉ sau khi ông qua đời, người Mỹ mới thông qua điều luật quy định một người chỉ có thể làm tổng thống hai nhiệm kỳ là tối đa. Nói một cách công bằng, chính Franklin Roosevelt là người đã làm thay đổi vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế.
Chương trình cải cách kinh tế của ông “New Deal” đã giúp cho Washington vượt qua được những hệ lụy của cuộc Đại khủng hoảng và xây dựng một nền kinh tế hùng hậu (trước khi Franklin Roosevelt lên làm Tổng thống Mỹ, quốc gia “giàu xổi” này chưa được coi là siêu cường - danh từ đó vốn chỉ được dùng để chỉ Anh và Pháp, cùng lắm là Nhật Bản, Liên Xô và Đức). Người lên thay thế Franklin Roosevelt trên ghế Tổng thống cũng là một nhân vật được coi là “quái kiệt”, tầm nhìn ngắn nhưng lại đậm máu liều, đã cả gan hạ lệnh cho bấm nút hạt nhân, ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki...
Không phải vị phó tổng thống Mỹ nào khi được vận may xếp vào ghế chủ nhân ông Nhà Trắng cũng suôn sẻ. Năm 1865, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, người từng giành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh Bắc - Nam và thủ tiêu chế độ nô lệ ở Mỹ, đã bị sám sát tại thủ đô Washington. Theo đúng quy định, Phó Tổng thống Andrew Johnson lên thay nhưng ông này đã phải may mắn lắm mới trụ lại được Nhà Trắng.
Năm 1868, Andrew Johnson phải đối mặt với nguy cơ bị phế truất và chỉ nhờ đa số hơn một phiếu mới tai qua nạn khỏi.... Sau khi vị Tổng thống Công giáo đầu tiên của nước Mỹ, John Kennedy, bị ám sát năm 1963, người lên thay ông là Phó Tổng thống Lyndon Johnson. Ông này đã tiếp nối chương trình kinh tế của người tiền nhiệm khá mỹ mãn nhưng lại bị bẽ bàng với cuộc chiến tranh Việt Nam và đành phải từ bỏ việc tranh cử chức Tổng thống nhiệm kỳ hai.
Vị Phó Tổng thống nữa được trời cho vận may làm Tổng thống nhưng không làm cho tốt được là Gerald Ford. Ông này được vị Tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon đưa lên làm “Phó tướng” cho mình sau khi Phó Tổng thống Spiro Agnew từ chức (Gerald Ford là vị Phó Tổng thống Mỹ duy nhất không phải qua bầu cử). Sau khi Richard Nixon bị mất chức Tổng thống vì vụ Watergate, Phó Tổng thống Gerald Ford mặc nhiên làm chủ Nhà Trắng nhưng làm việc quá tồi nên đã bị thất bại thảm hại ở trong cuộc bầu cử liền sau đó.
TUẤN NGỌC

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen